Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn chính thức Antara của Indonesia, Đại sứ Kiya cho biết: “Về mặt địa chính trị, ASEAN nằm ở vị trí chiến lược kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ngoài ra, dân số ASEAN lên tới 670 triệu người và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Đây là những lý do thúc đẩy Nhật Bản tiếp tục duy trì quan hệ với ASEAN”.
Theo ông Kiya, Nhật Bản là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN và đã tiến hành đối thoại không chính thức đầu tiên vào năm 1973 trước khi chính thức vào tháng 3/1977. Năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương với Hội nghị cấp cao kỷ niệm tại Tokyo vào tháng 12.
Ông Kiya cho hay Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết đóng góp, hợp tác với ASEAN trong một số lĩnh vực quan trọng như hàng hải, kết nối trong đó có việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, và hợp tác trong các chương trình nghị sự kinh tế như phục hồi chuỗi cung ứng, công nghệ kỹ thuật số và an ninh lương thực.
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Kiya cho rằng những giá trị mà ASEAN và Nhật Bản cùng chia sẻ trong 50 năm qua là hòa bình, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Tầm nhìn này đã được thể hiện từ hơn 40 năm trước khi Thủ tướng Nhật Bản khi đó Fukuda Takeo tới thăm các nước ASEAN và có bài phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng mà ngày nay được gọi là “Học thuyết Fukuda”.
Học thuyết trên nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ trở thành cường quốc quân sự đe dọa khu vực; sẽ xây dựng mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” với các nước Đông Nam Á; tích cực hợp tác và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN với tư cách là đối tác bình đẳng. Theo nhà ngoại giao này, đây là những giá trị thực tế cơ bản thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Nhật Bản-ASEAN trong suốt 50 năm qua.