Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn chính thức Antara của Indonesia, Đại sứ Kiya nêu rõ sức khỏe cộng đồng là một trong những trọng tâm của Nhật Bản trong việc tăng cường hợp tác với ASEAN. Ông Kiya nhấn mạnh trọng tâm là giải quyết các nguy cơ có thể phát sinh trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có sức khỏe cộng đồng. Dù tình hình đại dịch COVID-19 đã cải thiện, nhưng đại dịch vẫn có thể tiếp tục xảy ra và các nước cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Theo Đại sứ Kiya, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản-ASEAN, với Hội nghị cấp cao kỷ niệm dự kiến diễn ra tại Tokyo vào tháng 12. Một trong những trọng tâm hợp tác nhân dịp kỷ niệm này là thúc đẩy bảo đảm sức khỏe toàn dân, đặc biệt là đối với các bệnh mới nổi. Do vậy, Nhật Bản cam kết đầu tư cho ACPHEED nhằm ứng phó với các bệnh mới nổi. Nhật Bản hy vọng trung tâm này có thể sớm đi vào hoạt động.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 15 diễn ra tại Bali, Indonesia, vào tháng 5/2022, các bên đã nhất trí thành lập ACPHEED nhằm tăng cường khả năng của các nước khu vực trong việc phòng ngừa và ứng phó với các đại dịch tiềm tàng trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi, một trong những nội dung được các bộ trưởng nhất trí là thành lập ACPHEED. Đây sẽ là trung tâm hợp tác ASEAN nhằm ứng phó với các đợt bùng phát hoặc đại dịch tiềm tàng trong tương lai.
Indonesia là Chủ tịch ASEAN năm 2023 với chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng”, trong đó trụ cột “Tăng trưởng Tâm điểm” tập trung vào việc tăng cường cấu trúc y tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và ổn định tài chính.