Nhật Bản bơm nước nhiễm phóng xạ cao vào bể chứa

Ngày 19/4, hãng tin Jiji cho biết Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO), đơn vị vận hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 bị hư hại nghiêm trọng trong thảm họa kép động đất-sóng thần hôm 11/3, đã bắt đầu bơm nước nhiễm phóng xạ nồng độ cao vào một bể chứa.

Công nhân lắp đặt đường dây cáp điện tại Otsuchi (quận Iwate) trong nỗ lực khắc phục hậu quả thảm họa động đất-sóng thần tại Nhật Bản ngày 18/4/2011. Ảnh: AFP/TTXVN


Công việc này được tiến hành lúc 10 giờ sáng địa phương, khi các công nhân bơm nước nhiễm phóng xạ cao dưới tầng hầm toàn nhà chứa tuốcbin của lò phản ứng số 2 sang một bể chứa gần đó. TEPCO thông báo họ có kế hoạch bơm 10.000 tấn trong số 25.000 tấn nước nhiễm phóng xạ cao ra khỏi tầng hầm trong vòng 26 ngày.

Trước đó, trong phiên thảo luận tập trung của Ủy ban Ngân sách Thượng viện hôm 18/4, Thủ tướng Naoto Kan đã khẳng định sự cần thiết phải xem xét lại các chính sách, kế hoạch liên quan tới phát triển điện hạt nhân sau sự cố Fukushima 1. Ông Kan nói rằng cần thảo luận lại từ đầu chính sách liên quan đến điện hạt nhân chứ không thể tiếp tục thực hiện các kế hoạch từ trước đến nay khi chưa đảm bảo được các điều kiện an toàn hạt nhân. Ông cho rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra thảm họa hạt nhân là dự tính quá đơn giản của con người về sóng thần, đồng thời lên tiếng xin lỗi về việc chính phủ đã không thể kiểm tra trước khi xảy ra thảm họa.

Thủ tướng Kan cũng nhấn mạnh quan điểm của chính phủ sẽ cố gắng tối đa trong việc giúp người dân phải sơ tán do động đất-sóng thần trở về nơi ở cũ sau thời hạn 6-9 tháng mà TEPCO đưa ra để khắc phục sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 19/4 đã hoàn tất việc soạn thảo yêu cầu đối với dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ nhất tài khóa 2011 mà chính phủ nước này đang xây dựng với mục đích khôi phục nền kinh tế sau thảm họa động đất và sóng thần, theo đó đề nghị được cấp thêm khoảng 189 tỷ yên (khoảng 2,25 tỷ USD) trên cơ sở dự tính rằng hoạt động cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai của lực lượng phòng vệ sẽ phải kéo dài.

Cụ thể, kinh phí cho hoạt động của khoảng 100.000 binh sĩ trong vòng ít nhất 6 tháng kể từ ngày 18/3 là 97 tỷ yên, bao gồm chi phí lương thực cho binh sĩ và hàng hóa cứu trợ. Các khoản chi phí mua và quản lý, bảo dưỡng trang thiết bị sử dụng trong hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả động đất vào khoảng 50 tỷ yên.


Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề nghị cấp 35 tỷ yên cho công tác tháo dỡ, kiểm tra 18 máy bay F2 bị ngập nước do sóng thần tại căn cứ không quân Matsushima ở tỉnh Miyagi và 7 tỷ yên chi phí khôi phục các cơ sở của lực lượng phòng vệ tại căn cứ không quân Matsushima và Sendai.

TTXVN

 

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN