Nhật Bản bị chỉ trích dữ dội sau khi sơ tán hành khách trên du thuyền

Khi hàng trăm hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess được sơ tán, Chính phủ Nhật Bản đã bị chỉ trích gay gắt về cách xử lý khủng hoảng và khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Một số du khách rời tàu du lịch Diamond Princess tại bến cảng Daikoku, thành phố Yokohama (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), 540 hành khách bị nhiễm COVID-19 (nCoV) trên du thuyền Diamond Princess cập cảng Yokohama (Nhật Bản) được coi là chùm ca bệnh lớn nhất ngoài Trung Quốc. Mỹ đã sơ tán trên 300 công dân khỏi tàu vào ngày 17/2 và nhiều quốc gia cũng đang đưa công dân về nước.

Nhưng khi cuộc khủng hoảng tạm lắng ngoài khơi Yokohama, mọi sự chỉ trích lại đổ dồn về Tokyo khi nhiều người cho rằng Chính phủ Nhật Bản dường như quan tâm đến phản ứng của dư luận nhiều hơn là dịch bệnh. Nhiều người cho rằng việc cách ly các hành khách trên con tàu của Nhật Bản là không hiệu quả.

Chỉ còn vài tháng nữa, Nhật Bản sẽ tổ chức Thế vận hội Olympic 2020. Đối với một số người dân trong nước, đợt bùng phát dịch bệnh đã khiến họ nhớ về cách chính phủ xử lý khủng hoảng thảm họa hạt nhân năm 2011.

“Virus lây lan rộng hơn những gì chính phủ đã nói. Trong suốt thảm họa hạt nhân Fukushima, chính phủ cũng nói không có rò rỉ hạt nhân. Vì vậy, họ đã che giấu sự thật trong thời điểm đó, và tôi rất sợ tình hình tương tự cũng đang diễn ra với dịch bệnh do virus Corona”, Shinichi Niwa, Giáo sư trợ lý tại Đại học Y khoa Fukushima, cho biết.

Chính phủ Nhật Bản nhiều lần nói rằng phản ứng của họ là phù hợp và nhiều chuyên gia y tế hàng đầu cũng đã lên tiếng sau khi bị lên án.

“Bằng chứng dịch tễ học của dịch bệnh cho thấy chiến lược cách ly của chúng tôi đã có hiệu quả. Gần 4.000 người ở lại con tàu không được thiết kế cho việc cách ly suốt nhiều tuần và đây là một thách thức vô cùng khó khăn”, ông Shigeru Omi, Chủ tịch Tổ chức Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng Nhật Bản, cho biết.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ca ngợi những “nỗ lực phi thường” của Nhật Bản trong việc cách ly hành khách trên tàu nhưng họ cho rằng điều đó có thể vẫn chưa đủ ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Du thuyền Diamond Princess đã cập cảng Yokohama vào ngày 3/2 với khoảng 3.700 hành khách sau khi một người đàn ông rời tàu xuống Hong Kong bị chẩn đoán nhiễm bệnh COVID-19.

Ngay từ đầu, các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi về quy trình cách ly trên du thuyền này bởi Nhật Bản không có cơ quan kiểm soát dịch bệnh quốc gia.

Một hành khách trên tàu cho biết mãi tới ngày 5/2, họ mới được cách ly trong phòng. Trước đó, khi các cơ quan kiểm tra sàng lọc người nhiễm bệnh, các sự kiện trên tàu vẫn diễn ra như khiêu vũ, trò chơi đố vui và một nhóm người vẫn tập thể dục.

Các hành khách cũng cho biết trong những lần sàng lọc, các quan chức y tế Nhật Bản chỉ đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ đầy đủ. Sau đó, 2 nhân viên kiểm dịch đã bị chẩn đoán dương tính với virus Corona.

Các chuyên gia cho rằng virus lây lan trên tàu rất có thể bắt nguồn từ những người trong khoang hoặc bởi các thành viên phi hành đoàn không có triệu chứng tiếp xúc với hành khách.

“Làm thế nào để có thể cách ly khi thực tế có quá nhiều người đã tiếp xúc với nhau? Về mặt dịch tễ học, cách ly trong hoàn cảnh này không có tác dụng gì”, Eyal Leshem, Giám đốc Trung tâm Y học Du lịch và Bệnh Nhiệt đới tại Trung tâm Y tế Sheba (Israel), cho biết.

Sau đó, Nhật Bản cũng cho phép mọi hành khách rời khỏi thuyền theo nhóm, bao gồm cả những người trên 80 tuổi đã có xét nghiệm âm tính với virus. Các chuyên gia cho rằng điều này đi ngược lại với các quy định cách ly phổ biến.

Dịch bệnh có thể đã lây lan mạnh mẽ bên dưới boong tàu, nơi phi hành đoàn khoảng 1.100 người làm việc và ngủ trong các vị trí chật hẹp, chia sẻ không gian sống và cả phòng tắm.

“Đợt bùng phát virus Corona đang lan nhanh. Tôi đề nghị chính phủ nên đưa chúng tôi ra khỏi đây và cách ly chúng tôi. Chúng tôi nên được sàng lọc và cách ly”, Binoy Kumar Sarkar, thành viên phi hành đoàn người Ấn Độ nói trong một video được đăng trên Facebook hôm 7/2.

Một số người khác cũng cho rằng Nhật Bản nên cách ly hành khách trên đất liền thay vì cách ly họ trên chiếc tàu này.

“Việc cách ly trên tàu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và gây khó khăn cho việc tiếp cận, chăm sóc y tế cho các hành khách”, Esther Chernak, Giáo sư lâm sàng và Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sức khỏe cộng đồng tại Đại học Drexel tại Philadelphia, cho biết.

Trước đó, một cuộc thăm dò của hãng tin Kyodo cho biết 53% số người được hỏi đã không hài lòng với cách chính phủ Nhật Bản xử lý khủng hoảng này.

Ngay từ sớm, Bộ Y tế đã cho biết các trường hợp trên tàu sẽ không được tính vào số ca nhiễm bệnh trong nước của Nhật Bản theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhưng một số chuyên gia cho biết điều này cho thấy Nhật Bản không muốn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi bị coi là một điểm nóng của dịch bệnh.

Hải Vân/Báo Tin tức
Mỹ dùng hộp cách ly đưa công dân nhiễm COVID-19 trên tàu du lịch Diamond Princess về nước
Mỹ dùng hộp cách ly đưa công dân nhiễm COVID-19 trên tàu du lịch Diamond Princess về nước

Các hành khách Mỹ trên tàu du lịch Diamond Princess nhiễm COVID-19 đã lên máy bay trở về nước nhưng phải ngồi trong “hộp cách ly”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN