Nhận diện những nước “ủng hộ” lập trường Biển Đông của Trung Quốc

Trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc vạch ra gần như nuốt trọn Biển Đông, danh sách các nước “ủng hộ” lập trường Biển Đông của Trung Quốc như Bắc Kinh tuyên truyền ngày một dài! Nhưng đâu là sự thật?

Sinh viên Phillipines biểu tình chống hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông tại thủ đô Manila ngày 3/3/2016. Ảnh: EPA

Trong cuộc họp báo ngày 20/5/2016, hãng tin Reuters của Anh cho biết người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng có hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông và danh sách này ngày một dài.
 
Tiếp đó, trong bản tin bằng tiếng Anh phát đi vào khoảng 20 giờ 20 phút tối 14/6/2016, Tân Hoa xã, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, cho biết số nước ủng hộ Trung Quốc đã lên tới con số 60.
                                            
Tuy nhiên, dù là “hơn 40 nước” hay “60 nước”, Trung Quốc vẫn không đưa ra được danh sách cụ thể bất chấp người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã nhận được yêu cầu liên quan trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 16/6/2016.

Trong bối cảnh PCA chuẩn bị ra phán quyết về cách giải thích của Trung Quốc liên quan tới “đường lưỡi bò” có phù hợp hay không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, việc công bố danh sách những nước ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc đương nhiên sẽ tạo môi trường thuận lợi cho Bắc Kinh.

Vậy tại sao Trung Quốc lại “giữ kín một cách đáng nghi ngờ” danh sách các nước ủng hộ lập trường Biển Đông của mình, như tờ The Diplomat có trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản mới đây đề cập?

Câu trả lời phần nào được hé lộ khi biên tập viên vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Ankit Panda của tờ The Diplomat cho biết trong số các quốc gia công khai ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, ngoài Kenya và Sierra Leone chỉ còn một số nước nhỏ ở khu vực miền Nam châu Phi như Công quốc Lesotho, Cộng hòa Hồi giáo Gambia, Cộng hòa Niger hay Cộng hòa Sudan ở Bắc Phi, đảo quốc Vanuatu ở Thái Bình Dương và Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan thuộc đại lục Trung Á.

Tám quốc gia này, theo biên tập viên Ankit Panda, đều có ảnh hưởng chính trị, kinh tế hạn chế, nằm cách xa Trung Quốc, và càng không liên quan gì tới tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, việc vận động họ ủng hộ Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh vẫn còn “chú ý tới hình ảnh quốc tế” của mình.

Trung Quốc đã xây đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Digital Globe

Trong một tình tiết liên quan, qua điều tra, phóng viên Jeremy Page thường trú tại Bắc Kinh của tờ The Wall Street Journal (Mỹ) phát hiện tổng cộng có 9 quốc gia ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, ngoài các quốc gia mà biên tập viên Ankit Panda điểm danh còn có Togo, một nước cộng hòa nhỏ ở Tây Phi.

Jeremy Page cho biết thêm, trong số các nước mà Bắc Kinh nói là đã ủng hộ lập trường Biển Đông của họ tới nay có 5 nước lên tiếng phủ nhận, lần lượt là Ba Lan, Slovenia, Bosnia và Herzegovina, Campuchia và Fiji.

Ví dụ, Chính phủ Ba Lan bày tỏ bất mãn với cách thể hiện “lèo lái” của Trung Quốc, nhấn mạnh cách nói của Chính phủ Trung Quốc “không phản ánh chính xác lập trường của Ba Lan trong vấn đề Biển Đông. Là một nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), lập trường Biển Đông của Ba Lan thống nhất với EU”.

Ngay cả Campuchia, một nước nhận nhiều viện trợ và đầu tư của Trung Quốc, cũng phủ nhận là đã đạt được bất cứ thỏa thuận nào với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Lào, Brunei thì khẳng định “không thay đổi chính sách (đối với vấn đề Biển Đông)”.

Còn Nga, nước lớn thế giới duy nhất được tuyên truyền là đã ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, cùng lắm cũng chỉ biểu thị “sự tham gia của bên thứ ba vào các tranh chấp (Biển Đông) chỉ làm căng thẳng leo thang trong khu vực” như tuyên bố của người phát Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra vào ngày 10/6/2016.

Trước đó, theo Tin tức Thế giới, tờ báo bằng tiếng Hoa có lượng phát hành lớn nhất ở Bắc Mỹ, Tuyên bố chung Sochi đạt được hôm 20/5/2016, sau Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Nga, chẳng khác nào một “cái tát” đối với Trung Quốc.

Tuyên bố này nhấn mạnh phải đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải; đảm bảo hàng không, thương mại không bị cản trở; kêu gọi các nước tranh chấp Biển Đông giải quyết bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS, xem ra gần với lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông hơn.

Có lẽ tới đây, câu chuyện nhiều nước “ủng hộ” lập trường Biển Đông của Trung Quốc đã trở nên sáng tỏ hơn.

Chi Lăng
Indonesia "thề" cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông
Indonesia "thề" cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông

Indonesia quyết tâm khẳng định quyền chủ quyền đối với quần đảo Natuna ở Biển Đông - nơi xảy ra nhiều vụ đụng độ với tàu Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN