Ông Assange đến Tòa án sơ thẩm Westminster trong trang phục hải quân và chiếc áo khoác xanh nhạt. Những người ủng hộ ông có thể thấy rõ ông đã không còn để bộ râu dài như hồi tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London.
Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, ông Assange sẽ đối mặt với 18 tội danh, trong đó có âm mưu tấn công hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ và vi phạm Đạo luật tình báo quốc gia này khi công bố nhiều tài liệu quân sự và ngoại giao mật hồi năm 2010, liên quan tới các chiến dịch đánh bom của lực lượng Mỹ tại Afghanistan và Iraq.
Trước phiên tòa, luật sư bào chữa cho ông Assange tuyên bố sẽ nỗ lực để lùi phiên tòa được dự kiến kéo dài 5 ngày, viện lý do cần thêm thời gian ít nhất 3 tháng để chuẩn bị bào chữa chống lại những cáo buộc ông Assange làm gián điệp.
Luật sư đại diện cho quyền lợi của Chính phủ Mỹ đáp lại sẽ phản đối bất kỳ quyết định trì hoãn phiên tòa. Vì lẽ đó, phiên tòa ở London có thể sẽ kéo dài nhiều tháng, hai bên đều có nhiều cơ hội kháng cáo lại các phán quyết.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid xác nhận đã ký quyết định chấp thuận yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ xét xử theo yêu cầu của Washington. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ ông Assange sang Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào tòa án Anh. Đến tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định ông Julian Assange sẽ bị dẫn độ về Mỹ để xét xử hành vi hoạt động gián điệp.
Ông Assange đang thi hành án tù tại Anh vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh tại ngoại năm 2012, trước đó ông tị nạn trong Đại sứ quán Ecuardo ở London, nhằm tránh lệnh dẫn độ về Thụy Điển để phục vụ điều tra cáo buộc tấn công tình dục một nữ công dân quốc gia này.