“Đám phán chắc chắn sẽ diễn ra. Mọi xung đột tất yếu sẽ kết thúc bằng đàm phán. Cho đến nay, phương Tây không thể hiện mong muốn đạt được các thỏa thuận đó. Họ không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Miroshnik cho biết.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh các điều kiện để bắt đầu đàm phán sẽ có kết quả khi nguồn viện trợ cho Kiev cạn kiệt và tham vọng chính trị lắng xuống.
Trước đó, hôm 8/12, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện), tuyên bố Moskva không từ chối các cuộc đàm phán, nhưng Nga chỉ đàm phán sau khi đạt được tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, gồm phi phát xít hóa và phi quân sự hóa chính quyền Kiev, và có tính đến thực tế là các vùng lãnh thổ mới là một phần của Nga.
Tuy nhiên, ông Slutsky nói rằng Nga nhận thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không có ý định đối thoại. Năm ngoái, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Moskva nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra là không thực tế.
Hồi tháng 11, khi được yêu cầu làm sáng tỏ các thông tin cho rằng giới chức phương Tây đã tiếp cận Kiev để thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Nga, ông Zelensky nói rằng dù ông đã nghe rất nhiều đề xuất và quan điểm khác nhau, nhưng ông không có bất kỳ liên hệ nào với Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh tất cả quan chức và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ đều nhận thức rõ việc ông từ chối đàm phán với Moskva.
Tổng thống Ukraine cũng khẳng định ông chưa gặp bất kỳ áp lực công khai nào từ phương Tây để phải ngồi xuống với đối phương. Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Tôi chắc chắn rằng có một số quốc gia có thể sẽ thảo luận với Nga ở cấp độ tình báo hoặc cố vấn”.
Theo ông Zelensky, Kiev không thể tổ chức các cuộc đàm phán với Moskva cho đến khi quân đội Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố này cũng tương tự công thức hòa bình do nhà lãnh đạo Ukraine nêu ra trước đó. Theo đề xuất này, ngoài việc Nga rút quân, Ukraine còn yêu cầu thành lập một tòa án để truy tố người Nga vì cáo buộc tội ác chiến tranh. Moskva đã nhiều lần bác bỏ những đề xuất đó vì cho rằng các điều khoản này xa rời thực tế.