Kể từ sau thảm họa kép động đất kèm sóng thần năm 2011, công ty điện lực Tokyo (Tepco), cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hỏng, đã bơm nước vào để làm mát các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân. Nước sau đó được xử lý và tích trữ trong bể chứa. Hơn 1.000 bể chứa đã được lấp đầy và Nhật Bản cho biết đây không phải là giải pháp lâu dài bền vững. Nhật Bản này muốn dần dần xả lượng nước đã qua xử lý này ra Thái Bình Dương trong vòng 30 năm tới đồng thời khẳng định nước được xả ra là an toàn.
Xả nước thải đã qua xử lý vào đại dương là một hoạt động thông thường đối với các nhà máy hạt nhân. Tuy nhiên, đây là sản phẩm phụ của một sự cố nên không phải là chất thải hạt nhân thông thường. Chính phủ Nhật Bản cho biết mức tritium cuối cùng - khoảng 1.500 becquerel/lít - an toàn hơn nhiều so với mức mà các cơ quan quản lý yêu cầu đối với việc xả chất thải hạt nhân hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đối với nước uống.
Từ ngày 24/8, Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển. Kế hoạch này đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và chính phủ Nhật Bản phê duyệt.
Ngày 25/8, Tập đoàn Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị vận hành nhà máy, tuyên bố rằng các cuộc kiểm tra nhanh mẫu lấy từ mẻ nước thải đã qua xử lý được thải ra đầu tiên cho thấy mức độ phóng xạ nằm trong giới hạn an toàn. Người phát ngôn của Tepco, ông Keisuke Matsuo bổ sung: “Chúng tôi sẽ duy trì phân tích hàng ngày trong một tháng tới và thậm chí sau đó vẫn duy trì nỗ lực phân tích của mình”.
Trung Quốc đã phản đối việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển. Ngày 24/8, giới chức hải quan Trung Quốc thông báo nước này ngừng nhập khẩu tất cả hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản. Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ của ông đã sử dụng các kênh ngoại giao để đề nghị Trung Quốc “ngay lập tức loại bỏ” lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Giảng viên cao cấp tại Đại học Auckland – ông David Krofcheck cho biết: “Việc xả nước được thiết kế để có lượng tritium /lít ít hơn bảy lần so với mức khuyến nghị cho nước uống của WHO. Nhiều tritium hơn đã được thải vào phía Bắc Thái Bình Dương từ các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động bình thường ở Trung Quốc và Hàn Quốc được đặt tại các địa điểm ven biển”.
Theo Guardian, nhà máy điện hạt nhân Fuqing của Trung Quốc ở tỉnh Phúc Kiến thải ra Thái Bình Dương lượng tritium nhiều gấp ba lần so với kế hoạch xả thải của Fukushima. Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 23/8 đã vạch rõ: “Có khác biệt cơ bản giữa nước bị ô nhiễm hạt nhân tiếp xúc trực tiếp với lõi lò phản ứng tan chảy trong thảm họa hạt nhân Fukushima và nước do các nhà máy điện hạt nhân thải ra khi hoạt động bình thường. Chúng khác nhau về bản chất, đến từ các nguồn khác nhau và đòi hỏi mức độ xử lý phức tạp khác nhau”.
Nhà máy điện hạt nhân Kori ở Busan, Hàn Quốc thải ra lượng tritium tương tự như Fuqing. Và Hàn Quốc cũng chỉ trích quyết định của Nhật Bản đối với nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Fukushima, nhưng chính phủ nước này gần đây cho biết họ đồng thuận với báo cáo an toàn của IAEA phê duyệt kế hoạch này.
Tritium được sản xuất một cách tự nhiên như một phần của bức xạ nền môi trường thông thường và mưa hoặc sông sẽ đưa nó đến các đại dương trên thế giới.