Theo kênh truyền hình RT, mặc dù sự cố rò rỉ này không gây nguy hại cho cộng đồng nhưng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch giảm bớt tác động từ tình trạng thiếu hụt năng lượng của Chính phủ Đức.
Bộ Môi trường Đức cho biết công việc bảo trì sẽ được thực hiện vào tháng 10 và sẽ mất ít nhất một tuần để khắc phục sự cố. Trong thời gian đó, tất cả các hoạt động tại nhà máy do công ty PreussenElektra - công ty con của tập đoàn điện lực E.ON - điều hành sẽ phải tạm ngừng hoàn toàn.
Ban đầu, nhà máy điện hạt nhân dự kiến ngưng hoạt động vào cuối năm 2022 như một phần trong nỗ lực của Đức nhằm loại bỏ dần năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại đã buộc Berlin phải đặt cơ sở này ở chế độ chờ cho đến tháng 4/2023 như một nguồn điện dự trữ, có thể được khai thác nếu tình hình về năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người phát ngôn của công ty điện lực E.ON bày tỏ sự tin tưởng một giải pháp cho phép nhà máy điện hạt nhân Isar 2 hoạt động sau ngày 31/12 có thể được chính phủ phê duyệt.
Hồi cuối tháng 8, Chính phủ Đức đã thông qua loạt biện pháp để giảm tiêu thụ năng lượng mùa Đông, bao gồm hạn chế sử dụng hệ thống chiếu sáng và sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng. Các nhà chức trách cũng khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng bằng mọi cách.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên khắp châu Âu phần lớn là do giá khí đốt tự nhiên tăng vọt do các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.