Mong muốn các gia đình dành thời gian để trò chuyện cùng nhau thay vì nhìn chăm chăm vào điện thoại di động vốn chẳng dễ dàng, song một nhà hàng ở Anh vẫn quyết tâm thuyết phục khách hàng.
Trong một chương trình thử nghiệm, các ông bố bà mẹ đồng ý giao điện thoại cho nhân viên nhà hàng Frankie & Benny's sẽ được miễn phí suất ăn cho con của họ. Frankie & Benny's đã nảy ra ý tưởng trên sau khi một khảo sát cho thấy trẻ em muốn bố mẹ ít sử dụng điện thoại hơn và dành nhiều thời gian cho con cái hơn.
“Chúng tôi đã xem xét nhiều cách thức để có thể khuyến khích mọi người gắn kết với nhau tại bàn ăn và thứ chúng tôi tìm ra cho các gia đình cơ hội để tạm buông điện thoại trong vài giờ là một cách tuyệt vời để đem họ lại gần nhau hơn và vun đắp khoảng thời gian dành cho gia đình”, một đại diện của Frankie & Benny's cho biết.
Theo hãng BBC, cuộc khảo sát do chính chuỗi nhà hàng Frankie & Benny's thực hiện đã tham khảo ý kiến của 1.500 phụ huynh và trẻ em. Trong đó, khoảng 10% trẻ từng giấu điện thoại của bố mẹ đi để giành lấy sự quan tâm. Và có tới 70% trẻ em cho rằng bố mẹ thích dùng điện thoại hơn là chơi và nói chuyện với chúng.
Trên 25% phụ huynh khi được hỏi đã thừa nhận họ thường xuyên sử dụng điện thoại trong bữa ăn với gia đình, trong khi có 23% phụ huynh làm việc này lúc con cái đang trò chuyện cùng mình.
Trong chương trình khuyến mãi “Vùng không điện thoại” kéo dài từ 29/11 đến 7/12, nhà hàng Frankie & Benny's sẽ trao cho mỗi gia đình một chiếc hộp để cất điện thoại. Khách hàng hoàn toàn không bị ép buộc phải thực hiện song các nhân viên luôn khuyến khích họ tham gia.
Frankie & Benny's, với tổng cộng 250 nhà hàng lớn nhỏ trên thế giới, xem xét sẽ áp dụng sáng kiến này lâu dài nếu như nó đem lại kết quả mong đợi và phản hồi tốt từ khách hàng. Cộng đồng mạng Twitter đã ủng hộ nỗ lực của chuỗi nhà hàng.
Bà Susan Atkins, chuyên gia về vấn đề nuôi dạy con cái, đồng tình với ý tưởng “giờ ăn không điện thoại. Bà nhấn mạnh rằng việc bố mẹ không dùng điện thoại hay máy tính khi ăn cùng với con cái sẽ giúp gắn kết các thành viên với nhau hơn.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối kỹ thuật số 24/7 nhịp độ nhanh và bận rộn, trừ khi chúng ta không muốn, còn tôi đặc biệt yêu thích ý tưởng gia đình ngồi với nhau, dùng bữa và trò chuyện mà không có các thiết bị điện tử”, bà Atkins trả lời báo Independent. Ngoài ra, bà cho biết những phụ huynh giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại sẽ làm gương cho con thấy “sử dụng sản phẩm công nghệ khi nào và ở đâu là thích hợp”.
Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của điện thoại, máy tính thông minh đã rút ngắn khoảng cách địa lý, hỗ trợ đắc lực cho công việc cũng như phục vụ nhu cầu giải trí trong cuộc sống thường nhật của con người. Tuy nhiên, nó cũng đem đến những mặt trái không thể phủ nhận.
"Nghiện điện thoại" hay sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi đã trở thành một vấn nạn chẳng của riêng quốc gia nào. Nó không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá nhân mà còn tác động đời sống gia đình và xã hội. Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc người dùng quá phụ thuộc vào điện thoại, dẫn tới chứng "nghiện điện thoại thông minh", đã vô hình dung giảm các hình thức giao tiếp truyền thống giữa người với người và trong rất nhiều trường hợp khiến các thành viên gia đình xa cách nhau hơn.
Tại Việt Nam, cảnh tượng bố mẹ mải mê lướt điện thoại, dù để giải quyết công việc hay chỉ để lên mạng xã hội tán gẫu, bỏ mặc con cái tự chơi và tự học không phải hiếm thấy. Nhiều phụ huynh, thậm chí cả những đứa bé, đã dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo mà bỏ quên thế giới thực. Ngoài yếu tố tổn hại sức khỏe, đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy trong giới học sinh như đánh lộn, bắt nạt thậm chí cả tự tử vì các em thiếu đi sự quan tâm, định hướng đúng đắn của người thân.