Cả Mexico và Canada đều đã đưa ra các biện pháp cần thiết để tuân thủ những cam kết của mình theo USMCA, phiên bản cập nhật thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Theo quy định, hiệp định này phải được quốc hội cả 3 nước phê chuẩn thì mới có hiệu lực.
Theo ông Gerardo Canseco Romero, thành viên Ủy ban Ngoại thương trường Cao đẳng Kế toán công Mexico, cho rằng USCMA ít khả năng có hiệu lực theo đúng kế hoạch, do nhiều hoạt động kinh tế bị trì hoãn. Một nguyên nhân nữa là giới lãnh đạo trong ngành ô tô - “trái tim” của USMCA - đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thêm thời gian để có thể đáp ứng những yêu cầu của hiệp định thương mại mới. Chuyên gia Canseco nhận định hiệp định USMCA có các quy định về nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ hơn so với NAFTA. Trong bối cảnh các nhà máy bị đóng cửa vì dịch bệnh, các chuỗi cung ứng bị tê liệt, việc thông báo hiệp định có hiệu lực trong vòng 3 tháng tới sẽ chỉ gây thêm áp lực cho ngành công nghiệp ô tô vốn vẫn chưa sẵn sàng thực thi USMCA.
Ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia thành viên USMCA. Chỉ riêng ở Mexico, lĩnh vực này hiện đóng góp trên 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo trên 840 nghìn việc làm trực tiếp. Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô đặc biệt quan trọng do quy mô, phạm vi địa lý và các chuỗi cung ứng giữa các nhà cung cấp khác nhau thuộc mọi quy mô ở ba quốc gia Bắc Mỹ.
Theo kế hoạch, USMCA sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Hiệp định thương mại mới yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa lên tới 75% đối với xe hạng nhẹ và 70% đối với xe hạng nặng, tăng tương ứng 12,5% và 10% so với quy định của NAFTA. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô của ba nước thành viên sẽ có thời hạn từ 3-4 năm để triển khai, nhưng các nhà sản xuất ô tô phải bắt đầu đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực.