Nguy cơ tái diễn khủng hoảng chính phủ tại Séc

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 17/1 là thời điểm Thủ tướng Andrej Babis đã lên kế hoạch nộp đơn xin bãi miễn Chính phủ do không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện vào ngày 16/1.

Ông Jiri Drahos không ủng hộ Thủ tướng Andrej Babis. Nguồn: EuoZpravy.cz

Tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với nội các thiểu số gồm các bộ trưởng là người của phong trào ANO và một số nhà kỹ trị không đảng phái thì chỉ có 78 hạ nghị sỹ của ANO ủng hộ trong tổng số 195 người có mặt. Bỏ phiếu chống là 117 hạ nghị sỹ của Đảng Dân chủ Công dân (ODS), Đảng Cướp biển Séc, Đảng Cộng sản Séc và Morava (KSCM), Đảng Dân chủ xã hội (CSSD), phong trào Tự do và dân chủ trực tiếp (SPD), Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo – Đảng Lao động Tiệp Khắc (KDU-CSL), phong trào TOP-09, phong trào Trưởng lão và những người độc lập (STAN). Năm nghị sỹ vắng mặt.

Các đảng phái đối lập chỉ trích Thủ tướng Andrej Babis không nỗ lực trong việc thành lập chính phủ liên minh có đa số ghế trong Quốc hội. Một số đảng phái không chấp nhận một thủ tướng đang có nguy cơ bị truy tố hình sự.

Phát biểu tại phiên họp của Hạ viện, Chủ tịch ODS Petr Fiala và Phó Chủ tịch thứ nhất TOP-09 Pekarova Adamova đánh giá tời gian ba tháng để Thủ tướng Babis thành lập chính phủ là "thảm bại". Ông Fiala đòi Thủ tướng sớm từ chức và Chính phủ thiếu sự tín nhiệm của Quốc hội không được quyền đưa ra những quyết định quan trọng trong thời gian chờ đợi. Bà Adamova cho rằng Tổng thống Milos Zeman cũng phải chịu trách nhiệm trong việc này vì ông đã từng tuyên bố Chính phủ thiểu số của ông Babis không cần nhận được sự ủng hộ của 101 nghị sỹ cũng có đầy đủ thẩm quyền. Chủ tịch STAN Petr Gazdík cho rằng Thủ tướng Babis cần nhanh chóng tiến hành các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới có được đa số phiếu ủng hộ trong Quốc hội. Ông nói: "Cuộc vui đã kết thúc và hiện thực cuộc sống bắt đầu". Ông Jan Chvojka, Trưởng đoàn nghị sỹ của CSSD, nhận xét rằng ba tháng đã trôi qua vô ích và ông Babis thậm chí không thèm hỏi CSSD về việc đảng này có muốn tham gia chính phủ liên minh hay không.

Trong phiên họp của Hạ viện ngày 10/1 Tổng thống Milos Zeman đã đến dự và phát biểu ý kiến, kêu gọi nghị sỹ các đảng phái đối lập ủng hộ Chính phủ thiểu số. Ông tuyên bố rằng trong trường hợp ở cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thứ nhất nội các này không nhận đủ số phiếu ủng hộ thì ông sẽ trao cho Thủ tướng Babis cơ hội lần thứ hai đứng ra thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, diễn biến tại vòng một cuộc bầu cử tổng thống CH Séc 2018 đã tạo ra những mối nguy cơ về một cuộc khủng hoảng chính phủ tại nước này. Kết quả cuộc bỏ phiếu trong hai ngày 12 và 13/1 cho thấy đương kim Tổng thống Zeman về nhất với 38,6% số phiếu ủng hộ và Giáo sư Jiri Drahos đứng ở vị trí thứ hai với 26,6% số phiếu ủng hộ.

Hai ứng cử viên này lọt vào cuộc bỏ phiếu vòng hai, diễn ra vào ngày 26 và 27/1. Khả năng trúng cử của hai người ở vòng hai cuộc bầu cử tương đối cân bằng. Nếu ông Zeman tái đắc cử thì Thủ tướng Babis vẫn có thêm cơ hội thành lập chính phủ.


Nhưng nếu xảy ra trường hợp ngược lại thì sao?

Ông Drahos đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không bổ nhiệm vào chức thủ  tướng các nhân vật đã bị truy tố hình sự, trong đó có ông Babis. Nếu vậy thì trước ngày 8/3, thời điểm vị nguyên thủ quốc gia mới nhậm chức ở Lâu đài Praha, Thủ tướng Babis phải có được sự ủng hộ của ít nhất 101 đại biểu trong Hạ viện. Không làm được điều này, ông Babis phải ra đi. Khả năng này là khá cao. Trong bối cảnh mới, CH Séc có thể phải tổ chức lại một cuộc bầu cử Hạ viện.


Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)
Thủ tướng Séc sẵn sàng đối mặt với cáo buộc gian lận tài chính
Thủ tướng Séc sẵn sàng đối mặt với cáo buộc gian lận tài chính

Ngày 16/1, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis đã yêu cầu các nhà lập pháp nước này hủy bỏ quyền miễn trừ của ông tại Quốc hội để ông có thể chứng minh được sự trong sạch trước các cáo buộc gian lận tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN