Ngày 12/6 (giờ Việt Nam), đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đã kêu gọi chính phủ Xyri cho phép các cơ quan cứu trợ quốc tế vào quốc gia vùng Vịnh này để giúp đỡ dân thường đang gánh chịu hậu quả của tình trạng bạo lực gia tăng.
Trẻ em Xyri trong khu tị nạn do tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ thiết lập ở Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) giáp biên giới Xyri. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Bà Catherine tuyên bố lo ngại sâu sắc trước tình hình nhân đạo đang xấu đi nghiêm trọng ở Xyri, đồng thời kêu gọi Đamát cho phép ngay các tổ chức nhân đạo quốc tế, như Hội chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), được tự do tiếp cận tình hình. Bà cũng kêu gọi chính quyền Xyri thả tất cả những đối tượng tham gia biểu tình bị bắt giữ trước đó, kể cả những tù nhân chính trị theo tuyên bố ân xá mới đây của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng số người thiệt mạng ngày càng tăng ở Xyri. Mỹ thúc giục chính phủ Xyri cho phép các nhân viên y tế vào Xyri sau khi có báo cáo về việc nỗ lực giải tán cuộc biểu tình phản đối chính phủ hôm 10/6 của lực lượng an ninh nước này đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng. Chính phủ Italia ngày 12/6 cũng yêu cầu Đamát cho phép ICRC vào Xyri một cách “ngay lập tức và không giới hạn”.
Trong khi đó, người phát ngôn LHQ Martin Nesirky cho biết, Tổng thống Assad đã từ chối nhận điện thoại của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, trong bối cảnh Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thảo luận dự thảo nghị quyết về Xyri, do Anh và Pháp đề xuất.
Ngoại trưởng Anh William Hagur trong tuyên bố với Sky News ngày 12/6 đã bày tỏ hy vọng HĐBA LHQ sẽ thông qua nghị quyết trên để trừng phạt hành động tấn công người biểu tình chống chính phủ của Đamát. Hiện một số trong tổng số 15 thành viên của HĐBA LHQ chưa nhất trí với nghị quyết này; đặc biệt là Nga và Trung Quốc – hai thành viên có quyền phủ quyết – đã tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ nghị quyết nào về vấn đề Xyri.
Trước động thái trên của LHQ và một số quốc gia phương Tây, Ngoại trưởng Xyri Wallid al-Moallem đã kêu gọi bên ngoài giúp đỡ nước này chống các nhóm khủng bố bằng cách tránh can thiệp vào vấn đề nội bộ của Xyri. Ông Mollem cho biết, bất cứ nghị quyết nào của HĐBA LHQ cũng chỉ làm tình hình Xyri thêm nghiêm trọng và sẽ là một thông điệp rằng hành động của lực lượng khủng bố được HĐBA ủng hộ.
Ước tính đã có hơn 1.300 dân thường thiệt mạng kể từ khi bạo loạn bùng phát ở Xyri hồi tháng 3/2011. Chính quyền Đamát tố cáo các thế lực nước ngoài và nhóm Hồi giáo quá khích đứng đằng sau tình trạng bất ổn hiện nay ở Xyri. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng của Xyri, đã bày tỏ quan ngại về việc 2.700 người Xyri tị nạn tại nước này và làn sóng tị nạn từ Xyri tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Quang Minh