Việc thiếu đầu tư trong ngành nhiên liệu hydrocarbon trong bối cảnh thế giới dịch chuyển sang năng lượng xanh, cùng với quy định siết chặt về môi trường có thể sẽ làm dầu thô tăng giá, tạo khan hiếm ngày một lớn về năng lượng. Đây là nhận định được đưa ra trong các báo cáo của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) và công ty chuyên về tư vấn thị trường IHS Markit.
Tổng mức đầu tư thượng nguồn trong ngành dầu mỏ, khí đốt trên toàn thế giới năm 2021 là 341 tỉ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mức suy giảm này diễn ra tại thời điểm nhu cầu tiêu thụ dầu thô tăng.
Khủng hoảng năng lượng ở châu Á, châu Âu trong mùa đông này có thể sẽ là lời nhắc nhở cho những năm tiếp theo - Joseph McMonigle, Tổng thư ký của IEF, nói. Theo ông, hai năm liên tiếp đầu tư dưới chuẩn cho các dự án phát triển dầu mỏ, khí đốt là chỉ báo rõ ràng về mức giá cao, biến động mạnh hơn trong những năm tới.
Giá dầu thô đã tăng khoảng 40% trong năm nay khi các nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 75,26 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng ngày 8/12, còn dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) chạm mốc 71,81 USD/thùng. Giá khí đốt cũng tăng 40% kể tử đầu năm.
“Chu kỳ tăng-giảm biến thiên mạnh sẽ làm hại đến cả nhà tiêu dùng lẫn nhà sản xuất đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, tạo rào cản cho các mục tiêu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu mà Liên hợp quốc đề ra. Nó cũng đe dọa an ninh toàn cầu”, ông McMonigle nêu quan điểm.
Có nhiều nhân tố dẫn đến giảm đầu tư cho ngành năng lượng hydrocarbon. Đó là việc giá nhiên liệu biến động mạnh, chính phủ các nước thay đổi quy định về môi trường, sự lệch pha giữa các kịch bản về nhu cầu dài hạn với các tiêu chí về môi trường, xã hội, điều hành chưa được chuẩn mực hóa.
Sức ép với các chính phủ và ngành năng lượng về chuyển đổi sang phục hồi, tăng trưởng xanh cũng làm giảm nguồn lực đầu tư cho khu vực dầu mỏ, khí đốt. Theo Daniel Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, bước chuyển đổi này khiến đầu tư cho năng lượng hydrocarbon suy yếu, trong khi nguồn năng lượng mới, công nghệ carbon hàm lượng thấp chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu có thể sẽ làm tái diễn các cơn khủng hoảng năng lượng như những gì mới diễn ra ở châu Á và châu Âu trong những tháng vừa qua.
Tiến sĩ Al Jaber, Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến và Đặc phái viên về khí hậu của Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất (UAE), đồng thời là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) cho biết ngành dầu mỏ, khí đốt từ nay đến năm 2030 trung bình mỗi năm cần khoản đầu tư trên 600 tỉ USD/năm.
Cùng chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Năng lượng và Hạ tầng UAE, ông Suhail Al Mazrouei, nhìn nhận việc thiếu đầu tư cho nguồn cung trong tương lai có thể sẽ làm trầm trọng thêm chu kỳ leo thang của giá dầu.
Tuần trước, JP Morgan cũng đã đề cập đến những hạn chế này. Theo ngân hàng cho vay lớn nhất tại Mỹ này, thiếu đầu tư cho các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu mỏ, khí đốt trong 18 tháng qua đã khiến năng lực sản xuất của nhiều nước xuất khẩu dầu suy giảm, không có khả năng phản ứng hiệu quả trước nhu cầu tiêu thụ bước vào giai đoạn phục hồi.
JP Morgan dự báo giá dầu Brent Biển Bắc có thể cán mốc 125 USD/thùng trong năm tới và 150 USD thùng trong năm 2023 nếu đầu tư cho thượng nguồn ngành dầu mỏ, khí đốt không được cải thiện.
Cả IEF và IHS Market đều cho rằng khoản đầu tư này cần phải đạt mức tối thiểu là 525 tỉ USD/năm và kéo dài đến năm 2030 để bảo đảm cân bằng cung cầu trên thị trường, ngay cả khi cầu tiêu thụ tăng chậm lại. Hai năm tới sẽ là quãng thời gian thiết yếu để cấp phép, mời gọi vốn cho các dự án mới, nhằm có đủ nguồn cung dầu mỏ, khí đốt ra thị trường giai đoạn 2026-2027. Lo ngại về mất cân đối cung cầu có thể sẽ thành hiện thực trong chính khung thời gian này.