Ông Fox, người ủng hộ mạnh mẽ việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) trong Nội các của Thủ tướng Theresa May, đã dự đoán khả năng Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận về tương lai mối quan hệ song phương là 60%.
Phát biểu sau chuyến thăm Nhật Bản, ông Liam Fox nói: "Tôi nghĩ sự không khoan nhượng của Ủy ban (châu Âu) đang đẩy chúng ta tới khả năng không có thỏa thuận (về Brexit)".
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa là tới thời điểm Anh rời khỏi EU, nhưng London vẫn chưa nhất trí về một thỏa thuận "ly hôn" với Brussels và đã đẩy mạnh việc lên kế hoạch cho khả năng rời khối này mà không có bất cứ thỏa thuận chính thức nào.
Áp lực đang gia tăng đối với Thủ tướng May khi hai bộ trưởng hàng đầu của Anh đã từ chức hồi tháng trước để phản đối kế hoạch Brexit. Bà chỉ còn vài tháng trước khi một thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU, dự kiến vào 29/3/2019, phải được chấp thuận về mặt nguyên tắc tại Hội nghị thượng đỉnh EU giữa tháng 10 tới.
Mới đây, ông Michel Barnier, nhà đàm phán về Brexit của EU, đã bác bỏ đề xuất của Thủ tướng May về mở biên giới đất liền giữa Anh và Ireland - thành viên EU, cũng như loại bỏ “biên giới cứng” có thể cản trở thương mại.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney cảnh báo nguy cơ cao về một Brexit không có thỏa thuận nào khi mà các cuộc đàm phán đang bước vào "giai đoạn quan trọng".
Nhiều nhà kinh tế cho rằng viễn cảnh như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, bởi hoạt động giao thương với EU - thị trường lớn nhất của Anh, sẽ phải gánh chịu các loại thuế quan.
Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit lại cho rằng đây có thể chỉ là “tổn thương ngắn hạn” đối với nền kinh tế quy mô 2.900 tỷ USD của Anh, nhưng về dài hạn, nước này sẽ phát triển thịnh vượng khi thoát khỏi tầm ảnh hưởng của EU.
Theo bài phân tích đăng trên trang mạng economist.com, với việc không có bất kỳ thỏa thuận nào, Anh sẽ là quốc gia lớn và độc lập xúc tiến các hoạt động thương mại theo nguyên tắc của Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, việc “chuyển đổi” sang WTO đi kèm với nhiều rủi ro.
Việc tiến hành thương mại với các quốc gia khác luôn đi kèm những phức tạp. Anh được hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại mà EU ký với hơn 50 quốc gia, trong đó có Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản. Anh hy vọng vẫn giữ được những ưu ái này sau Brexit, song điều đó phải có sự chấp nhận của EU - kịch bản khó có thể diễn ra nếu hai bên không đạt bất kỳ thỏa thuận nào.
Hơn thế nữa, London cũng cần có sự đồng thuận của các quốc gia khác. David Henig, từng là một nhà đàm phán thương mại, cho rằng các quốc gia này chắc chắn sẽ áp đặt các điều khoản chặt chẽ bởi vị thế không còn như trước của Anh.