Ngày 15/3, giới chức thực thi luật pháp liên bang Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của các hành động bạo lực và khủng bố từ các nhóm cực đoan và cấp tiến ở trong nước. Đây là hệ quả của vụ một binh lính Mỹ ngày 11/3 vừa qua xả súng bừa bãi sát hại 16 dân thường Ápganixtan mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Thông báo của Cục điều tra liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa (DHS) bày tỏ lo ngại rằng vụ cố ý sát hại dân thường Ápgainxtan có thể kích động các phần tử cực đoan, nhất là các nhóm khủng bố được hình thành và đang tồn tại ngay trên lãnh thổ Mỹ. Đây là những đối tượng mà FBI và DHS cho rằng xưa nay thường chọn các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Mỹ như là những mục tiêu để tiến hành các hành động trả thù cho những hành vi quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Bản thông báo không nói rõ các mối đe dọa cụ thể, nhưng thừa nhận vụ thảm sát tại Ápganixtan có thể bị các phần tử và các nhóm cực đoan ở trong nước coi là “một hành vi chống lại người Hồi giáo”.
Ngày 13/3, hàng trăm sinh viên tham gia biểu tình tại Jalalabad, thủ phủ tỉnh Nangarhar (Ápganixtan), phản đối vụ lính Mỹ sát hại 16 thường dân xảy ra ngày 11/3. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trong chiến lược chống khủng bố ban hành tháng 7/2011, chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng đã lần đầu tiên xác định nguy cơ của các nhóm khủng bố nội địa là một nguy cơ đang lớn dần đe dọa trực tiếp an ninh của Mỹ. Một bản báo cáo của Văn phòng nghiên cứu Quốc hội (CRS) tháng 12/2011 cho biết kể từ vụ khủng bố ngày 11/9/2011 đã có ít nhất 33 kế hoạch và âm mưu khủng bố nhằm vào các cơ sở quân sự của Mỹ ở trong nước, trong đó có vụ một lính Mỹ có liên hệ với các tổ chức Hồi giáo nổ súng tại căn cứ Fort Hood ở bang Texas tháng 11/2009 làm thiệt mạng 13 binh lính và làm bị thương 29 binh lính khác.
Liên quan vụ thảm sát, ngày 15/3 Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Cabun, đã kêu gọi lính Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút ngay khỏi các đồn bốt tại các làng bản về các căn cứ quân sự chính của họ. Ông Cadai một lần nữa khẳng định vụ cố ý sát hại 16 thường dân là một hành động “thô bạo mang tính khủng bố” và hành động này đã làm người dân Ápganixtan mất tin tưởng vào các lực lượng quốc tế đã có mặt trên lãnh thổ nước này hơn 10 năm qua.
Người dân Ápganixtan ở nhiều nơi vẫn tiếp tục biểu tình phản đối và đòi Mỹ ngay lập tức dẫn độ binh sĩ phạm tội vừa đưa ra khỏi Ápganixtan để trừng phạt thích đáng theo luật pháp của quốc gia Tây Nam Á này.
TTXVN/Tin tức