Theo báo Global News, trong khoa học, hiện tượng đột biến virus và xuất hiện biến thể mới là bình thường.
“Chúng tôi không quá ngạc nhiên về điều này. Tôi nghĩ cách truyền thông đưa tin về các biến thể này đã khiến cho độc giả tin rằng thực sự xuất hiện một đại dịch mới. Nhưng đây chỉ là sự phát triển tự nhiên trong quá trình tiến hóa của virus”, Tiến sĩ Sumon Chakrabarti chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Ontario (Canada) nhận định.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, hạt Kent tại phía Đông Nam nước Anh trở thành một điểm nóng của biến thể virus SARS-CoV-2 mới với 23 đột biến. Các nhà khoa học đặt tên biến thể đó là B.1.1.7.
Sự xuất hiện của một biến thể với quá nhiều đột biến đã khiến ngay cả những nhà khoa học dày dặn kinh nghiệm nhất cũng phải ngạc nhiên. “Chúng tôi luôn chỉ biết rằng trong một năm virus không thay đổi”, Ravindra Gupta – Giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge - cho biết.
Trước khi biến thể B.1.1.7 được phát hiện, Giáo sư Gupta cùng đội ngũ của mình đang nghiên cứu một bệnh nhân mắc COVID-19 trong hơn 100 ngày.
“Trong cơ thể người bệnh này, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi đáng kể nhất từ trước đến nay”, Giáo sư Gupta trả lời báo Global News.
Chiến lược tồn tại của virus là nhân lên bằng cách tạo ra các bản sao của chính nó. Các bản sao không phải lúc nào cũng giống hệt nhau. Khi SARS-CoV-2 nhân bản, có những bản sao sai sót và từ đó dẫn tới đột biến. Các đột biến này khi kết hợp với chọn lọc tự nhiên sẽ cho phép virus nhanh chóng thích nghi và tăng khả năng lây truyền. Cũng có những trường hợp đột biến khiến virus mất khả năng và chết dần.
Đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu, họ có thể gặp khó khăn trong quá trình được điều trị. Hệ miễn dịch của họ không đủ hiệu quả để tiêu diệt virus và cho phép virus thay đổi liên tục do tình trạng bệnh kéo dài, tạo ra nhiều đột biến.
Trong trường hợp bệnh nhân của Giáo sư Gupta, người đó bị ung thư. Vì hệ miễn dịch của bênh nhân yếu đi do điều trị hóa trị, anh ấy gặp khó khăn trong việc loại bỏ virus. “Những gì chúng tôi nhận thấy là trong người bệnh nhân, virus đã phát triển một số đột biến khác nhau”, Steven Kemp – đồng nghiệp của Giáo sư Gupta – giải thích.
Cụ thể, vào ngày mắc bệnh thứ 66, skhi điều trị cho bệnh nhân bằng hai liều huyết tương hồi phục, các bác sĩ nhận thấy cấu trúc di truyền của virus đã bắt đầu thay đổi.
Huyết tương hồi phục là một loại liệu pháp sử dụng máu của một người đã khỏi bệnh. “Khi chúng được tiêm cho bệnh nhân này, có vẻ như một số đột biến đã phát sinh,” Kemp, một cộng sự nghiên cứu tại Đại học College London, cho biết. “Một trong những đột biến mà chúng tôi chứng kiến dẫn chúng tôi phát hiện biến thể B.1.1.7. Chúng tôi là những người đầu tiên thực sự thấy rõ những đột biến này thực sự có tác động đến khả năng hoạt động của virus. Đây là dấu hiệu cho thấy virus không chỉ tiến hóa mà còn thực sự đang tìm cách vượt qua các phương pháp điều trị mà chúng ta đang áp dụng”.
Các chuyên gia tin rằng biến thể B.1.1.7 được tìm thấy ở Anh có thể phát triển từ một bệnh nhân suy giảm miễn dịch, mặc dù cho đến hiện giờ, vẫn chưa xác định được bệnh nhân số 0 làm lây lan biến thể mới này.
Mặc dù trường hợp mắc COVID-19 mãn tính rất hiếm, nhưng ngày càng có nhiều trường hợp cho thấy bệnh nhân COVID-19 bị suy giảm miễn dịch đẩy nhanh quá trình tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Tại Boston, một bệnh nhân 45 tuổi mắc COVID-19 trong 154 ngày. Trong thời gian này, các bác sĩ cố gắng tìm hiểu xem liệu bệnh nhân có bị tái nhiễm với các biến thể virus mới hay liệu hệ miễn dịch của người này không đủ mạnh để tiêu diệt được virus.
Tiến sĩ Jonathan Li - một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham and Women’s - bắt đầu đi tìm câu trả lời. Trong 5 tháng, ông lấy mẫu phẩm từ bệnh nhân và thực hiện giải trình tự virus. “Bệnh nhân này không tái nhiễm biến thể mới, nhưng thay vào đó hệ miễn dịch của anh ta không thể loại bỏ virus trước đó. Chúng tôi chứng kiến quy trình tiến hóa của virus theo thời gian”, Tiến sĩ Li cho hay.
Theo chuyên gia này, có rất nhiều điểm tương đồng giữa các đột biến tìm thấy trong người bệnh nhân và những biến thể mới đang lây lan ra toàn cầu.
Thật không may, cả hai bệnh nhân mắc COVID-19 mãn tính trên đều đã qua đời. Song trường hợp của họ đã cung cấp cho giới khoa học hiểu biết sâu sắc về sự cần thiết phải kiểm soát lây lan trong cộng đồng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và tăng cường tiêm chủng.