Theo Heartland, chỉ tính riêng trong tháng Chín, người tiêu dùng Mỹ đã phải nộp 7,1 tỷ USD tiền thuế, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Heartland - tổ chức được sự hậu thuẫn bởi hơn 150 doanh nghiệp và nhiều hiệp hội kinh doanh nông nghiệp ở Mỹ - cho rằng mức tăng đáng kể nói trên chủ yếu là do Chính quyền Mỹ nâng thuế nhập khẩu hàng hóa.
Heartland chỉ ra rằng người Mỹ đã trả thêm 905 triệu USD trong vòng 30 ngày đầu tiên kể từ khi Washington áp mức thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa trị giá trị giá 300 tỷ nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9.
Người phát ngôn của Heartland, ông Jonathan Gold cho rằng các số liệu trên là bằng chứng cụ thể cho thấy thuế nhập khẩu đã “đánh” trực tiếp vào doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Do đó, ông nhấn mạnh việc loại bỏ thuế quan cần là một phần của thỏa thuận “giai đoạn một”, dự kiến được ký kết trong thời gian tới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, hãng THX ngày 7/11 đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc dỡ bỏ những hạn chế đối với hoạt động nhập khẩu các sản phẩm gia cầm từ Mỹ. Theo đó, Cơ quan Hải quan và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang nghiên cứu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Mỹ xuất khẩu các sản phẩm gia cầm sang Trung Quốc.
Kể từ tháng 1/2015, Trung Quốc đã cấm nhập toàn bộ thịt gia cầm và trứng của Mỹ sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại tại quốc gia này sau nhiều năm qua. Các biện pháp hạn chế khiến giá trị hàng gia cầm nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc giảm 80% từ mức 390 triệu USD năm 2014 xuống 74 triệu USD năm 2015.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai nước đã nhất trí hoãn áp thuế bổ sung theo giai đoạn trong cuộc thương chiến kéo dài nhiều tháng qua.