Sau khi được thành lập, chính phủ mới quyết định hủy bỏ thuế GST và trước khi quay lại áp dụng thuế bán hàng và dịch vụ (SST), người dân nước này đã có khoảng thời gian vàng về tiêu dùng từ 1/6/2018 đến 31/8/2018. Tuy nhiên, sau hiệu ứng kích cầu, tình cảm người tiêu dùng Malaysia đã trở lại bình thường.
Tại cuộc họp báo ngày 30/1, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Malaysia (MIER), Giáo sư, Tiến sỹ Zakariah Abdul Rashid cho biết trong quý IV/2018, Chỉ số CSI đã giảm 10,7 điểm so với quý III, còn 96,8 điểm, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã đi xuống rõ rệt.
Bên cạnh đó, tình cảm lạc quan của người tiêu dùng đối với 6 tháng tới cũng không khác hẳn so với trước đây, đặc biệt lo ngại về tình hình tài chính.
Theo kết quả điều tra của MIER, chỉ có 14% số người được hỏi cho biết thu nhập của họ tăng lên trong khi đó tỉ lệ nói rằng thu nhập của họ giảm đi tăng lên 34%. Số người không kỳ vọng vào thu nhập tương lai tăng lên cũng nhiều hơn và chỉ có 23% tin tưởng khả năng được tăng lương, là mức thấp nhất trong 4 quý lại đây.
Bên cạnh Chỉ số CSI, Chỉ số Tình cảm doanh nghiệp (BSI) cũng lần đầu tiên trong năm 2018 giảm xuống dưới 100 điểm, chỉ còn 95,3 điểm so với mức 108,8 điểm của quý III. Theo ông Zakariah Abdul Rashid, thị trường đã kỳ vọng quá cao vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 hồi tháng 5/2018, khiến Chỉ số CSI và Chỉ số BSI bật tăng trong quý III.
Nhưng cùng với việc tình cảm người tiêu dùng và tình cảm doanh nghiệp trở về với hiện thực, số liệu bắt đầu thể hiện xu thế giảm xuống. Ngoài ra, các nguyên nhân không rõ ràng ở bên ngoài như chiến tranh thương mại cũng ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của thị trường.