Theo Bloomberg, đối với Boris, một bác sĩ làm việc tại Moskva, tìm kiếm ngoại tệ trở nên khó khăn tới mức anh đã nhờ bạn bè tìm mua ngoại tệ trên chợ đen.
Sau khi trao đổi qua ứng dụng tin nhắn, người quen của Boris đã chuyển tiền ruble để nhận một mã vạch. Với mã vạch này, Boris có thể quét để mở một hộp đựng an toàn tại một trung tâm mua sắm ở Moskva. Bên trong là 1.000 euro mà Boris đặt mua.
Boris nói: “Các ngân hàng hoặc không có ngoại tệ, hoặc nếu có, họ bán nó với tỷ giá rất tệ”.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã khiến nền kinh tế Nga có nguy cơ suy giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, đồng tiền của Nga đã tăng khoảng 25% giá trị so với đô la Mỹ kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Đồng ruble được coi là đồng tiền tăng trưởng giá trị nhanh nhất trên toàn cầu.
Tuy vậy, trên chợ đen, đồng ruble không được giá như vậy.
Theo quy định mới nhất của Ngân hàng trung ương Nga, các ngân hàng chỉ có thể bán đô la Mỹ và euro mà họ đã nhận được kể từ ngày 9/4. Các cá nhân có thể rút tiền mặt, nhưng chỉ được rút từ các tài khoản mở trước ngày 9/3 và không được rút nhiều hơn 10.000 đô la Mỹ trước tháng 9. Giới hạn tiền mặt được mang theo khi ra nước ngoài cũng là 10.000 đô la Mỹ.
Tại Nga, những người trung gian móc nối với các nhân viên ngân hàng để thu hút người mua bằng tỷ giá cao hơn tỷ giá chính thức được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền tệ.
Theo Boris, như trước đây, luôn có rủi ro mua phải tiền giả. Nhưng cuối cùng, anh cũng phải nhờ tới người trung gian và trả nhiều hơn 15% so với tỷ giá chính thức để mua 2.000 đô la Mỹ cho vợ cũ và các con đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ phải dùng tiền mặt vì thẻ tín dụng do Nga phát hành không thể sử dụng ở nước ngoài do bị trừng phạt.
Ngày 15/5, các ngân hàng Nga đã bán đô la Mỹ với giá trung bình cao hơn 20% so với giá đồng ruble niêm yết trên Sàn giao dịch Moskva. Tỷ giá trên thị trường chợ đen dao động từ 73 ruble đến 75 ruble ở Moskva, trong khi đồng ruble đóng cửa ở mức 63,4 ruble đổi 1 đô la Mỹ vào ngày 15/5 trên Sàn giao dịch Moskva.
Các lệnh trừng phạt đã tách Nga khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu. Các biện pháp kiểm soát vốn khẩn cấp tại Nga đang tác động tới nhập khẩu và ngăn chặn tình trạng tháo chạy vốn quy mô lớn. Đồng thời, dù các nước đặt ra các biện pháp trừng phạt nhưng các biện pháp này vẫn đảm bảo rằng các nước có thể mua dầu, khí đốt và các hàng hóa khác của Nga, giúp cho hàng tỷ đô la Mỹ tiếp tục chảy vào kho bạc của Điện Kremlin mỗi tuần.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng đồng ruble sẽ không tăng giá bền vững. Tuy nhiên, đồng ruble đã tăng giá 30% kể từ khi ông Blinken phát biểu.
Ông Tatha Ghose tại ngân hàng Commerzbank AG cho rằng tỷ giá của đồng ruble bị ảnh hưởng vì các biện pháp trừng phạt của quốc tế và biện pháp kiểm soát vốn của Nga. Giá đồng ruble lên hay xuống chủ yếu do cung và cầu hàng ngày trong giao dịch các mặt hàng vẫn được phép xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngay cả Ngân hàng Trung ương Nga cũng thừa nhận trong báo cáo tiền tệ mới nhất của mình rằng các lệnh trừng phạt về cơ bản đã biến tỷ giá thành thứ phản ánh cán cân thương mại.
Ông Tatha Ghose dự báo rằng khi lệnh cấm dầu khí Nga của châu Âu bắt đầu vào cuối năm 2022, giá trị đồng ruble sẽ giảm 10% vào cuối năm và giảm thêm 20% vào cuối năm 2023.
Khác với Boris, Sofya, một sinh viên 22 tuổi, đã mua được 550 đô la Mỹ tại một điểm trao đổi ngoại tệ chính thức sau ba lần cố gắng.
Mẹo của Sofya là bắt đầu sớm và liên hệ trước với các ngân hàng để tránh thất vọng. Sofya nói: “Tỷ giá hối đoái rất tệ, cao hơn nhiều so với tỷ giá chính thức. Nhưng ít nhất họ đã không tính phí hoa hồng 30% như hồi tháng 2”.