Người Kurd tại Irắc dọa ngừng xuất khẩu dầu mỏ

Khu vực tự trị người Kurd ở miền bắc Irắc ngày 26/3 đã đe dọa ngừng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và tuyên bố, chính phủ trung ương không có quyền ký hợp đồng với tập đoàn BP của Anh về mở rộng một giếng dầu khổng lồ trên vùng đất tranh chấp Kirkuk.

Thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk vẫn là vùng đất tranh chấp giữa người Kurd và người Arập ở Irắc.


Đây là động thái mới nhất trong cuộc tranh cãi kéo dài xung quanh các hợp đồng và chia sẻ lợi nhuận từ dầu mỏ giữa Bátđa và khu tự trị người Kurd. Chính quyền trung ương tại Bátđa từ chối công nhận hàng chục hợp đồng mà giới chức người Kurd ký với các công ty năng lượng nước ngoài.

Trong tuyên bố nói trên, giới chức khu tự trị cho biết, họ đang giảm lượng dầu xuất khẩu và sẽ ngừng hoàn toàn trong vòng 1 tháng nếu Bátđa không chuyển giao 1,5 tỉ USD như đã cam kết. Chính quyền trung ương cũng cần phải được sự đồng ý của khu tự trị trước khi ký hợp đồng với BP.

Giới chức người Kurd cho rằng, họ đã thực hiện cam kết xuất khẩu 175.000 thùng dầu/ngày, tuy nhiên chính quyền trung ương đã trì hoãn thanh toán tiền trong 10 tháng qua, khiến tổng số tiền chưa thanh toán đã lên tới gần 1,5 tỉ USD.

Trước đó, tập đoàn BP đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Công ty Dầu miền Bắc (NOC) của Irắc về nâng sản lượng tại giếng dầu Kirkuk, một trong các giếng dầu lớn nhất nước này, từ 280.000 thùng/ngày lên 580.000 thùng/ngày kể từ năm 2014. 

Quyền kiểm soát thành phố Kirkuk và tài sản dầu mỏ dồi dào xung quanh nó từ lâu đã gây tranh cãi giữa những người Kurd, người Ả-rập và người thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống trong thành phố. Trên bình diện quốc gia, cuộc tranh cãi này đã khiến những người Kurd, vốn tuyên bố Kirkuk là thuộc khu vực tự trị của họ, chống lại đa số người Arập cũng như người thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ ở Irắc.
 


T.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN