Người giúp việc gia đình Ấn Độ thất nghiệp vì chủ sợ lây COVID-19 

Gia đình trung lưu ở Ấn Độ không còn muốn thuê người giúp việc, còn những người giàu có hơn lại mua sắm máy móc hiện đại về hỗ trợ. 

Chú thích ảnh
Nhiều người giúp việc gia đình ở Ấn Độ mất việc làm khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Ảnh: AP

Bà Noor Jahan là một người dọn dẹp bán thời gian ở Ấn Độ. Bà làm đủ việc trong nhà chủ, từ nấu nướng, là quần áo, tưới cây đến trông trẻ, thậm chí cả bóp chân cho chủ nhà. Mặc dù chỉ nhận được đồng lương rẻ mạt 3.000 rupee (hơn 900.000 đồng) và nghỉ hai ngày mỗi tháng, người phụ nữ 57 tuổi này vẫn mong mỏi được đi làm trở lại. 

Trong đợt phong tỏa năm ngoái, chủ nhà yêu cầu bà Jahan, một người sống ở khu ổ chuột, ngừng đi làm vì lo ngại rằng sẽ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ bà. Kể từ đó, giống như đa số lực lượng 4 triệu người giúp việc ở Ấn Độ, bà Jahan không tìm được việc làm. Nếu người chủ gọi cho bà, bà sẽ đến nhà họ nhanh như cắt. 

Theo tờ Guardian, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đang gắng gượng trang trải cuộc sống sau nhiều lần phong tỏa vì dịch COVID-19. Những người dọn dẹp bán thời gian, nấu nướng hay trông trẻ hộ từng hỗ trợ họ mỗi ngày đã không còn được chào đón. 

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tầng lớp giàu có Ấn Độ phải tự làm việc nhà. Ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, họ cũng không thuê người giúp việc như trước. Thay vào đó, họ đặt mua máy hút bụi, robot lau nhà và máy giặt. 

Chỉ riêng công ty điện tử gia dụng LG Electronics đã bán ra lượng máy rửa bát nhiều gấp 400 – 500% trong năm 2020 – 2021, so với thời điểm một năm trước. Do nhu cầu mua máy rửa bát quá cao nên nhiều người phải chờ đợi hàng về. 

“Doanh số hàng tháng đã tăng gấp 4 lần”, một người bán lẻ máy hút bụi của hãng Dyson tại New Delhi cho biết. Các cửa hàng bán robot hút bụi ở Ahmedabad đang bán được ít nhất 10 – 15 chiếc mỗi tháng so với chỉ 5 chiếc hồi năm 2019. Ngay cả việc ngồi xổm cầm giẻ lau khắp sàn nhà cũng được thay thế bằng cây lau nhà dạng xoay tròn tự vắt. 

Bà Kanta Devi, 48 tuổi, làm giúp việc cho một gia đình ở Janakpuri 15 năm nay. Sau đợt phong tỏa đầu tiên, chủ nhà chỉ gọi bà đến dọn dẹp một ngày mỗi tuần. Sau khi đợt phong tỏa thứ hai được dỡ bỏ hồi tháng 5, họ thông báo bà hãy tìm công việc khác.  

“Họ đã có sẵn máy giặt. Sau khi mua thêm lò vi sóng, nồi cơm điện và máy rửa bát, họ có thể tự xoay sở việc nhà mà không cần đến tôi nữa”, bà Devi chia sẻ. Một người bạn cũng làm giúp việc gia đình của bà là Kamrunisha cho biết một số gia đình vẫn trả lương cho người giúp việc, hoặc gửi thực phẩm hỗ trợ, mặc dù thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng đại bộ phận lại “đóng cửa” đối với người giúp việc cũ. 

Ông Ramendra Kumar, Chủ tịch liên đoàn bảo vệ người lao động Delhi Shramik Sangathan, cho biết tình trạng này đã dẫn đến những nỗi cùng cực cho nhóm người làm nghề giúp việc gia đình.  “Nỗi khổ vì mất thu nhập khi chồng cũng mất việc. Nỗi lo vì thiếu ăn. Và nỗi đau tinh thần khi chăm sóc cho một gia đình suốt nhiều năm rồi lại bị họ cho nghỉ việc”, ông bày tỏ sự đồng cảm với tình cảnh của người làm nghề giúp việc hiện nay.  

Vợ chồng chủ nhà thuê bà Jahan, là một bác sĩ và một thương nhân, không cho bà bất cứ thứ gì để vượt qua đợt phong tỏa. Khi bà Jahan đề nghị họ giúp đỡ ít tiền, đường hoặc sữa, câu trả lời của họ là “tại sao lại hỏi chúng tôi, hãy hỏi chính phủ ấy”. 

Những người giúp việc gia đình, chủ yếu là phụ nữ, đang vô cùng tuyệt vọng. Thu nhập của gia đình đã giảm dần. Việc mua thức ăn và trả tiền thuê nhà trở nên khó khăn khi phải dựa vào đồng thu nhập ít ỏi mà đàn ông trong nhà kiếm được từ những công việc lặt vặt.

Trong trường hợp của bà Devi, một góa phụ sống với cô con dâu cũng góa chồng và bị cho nghỉ việc, ngay cả nhu cầu mua thực phẩm tối thiểu nhất cũng nằm ngoài tầm với. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
'Nóng' cuộc đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 uống tại nhà như thuốc cúm
'Nóng' cuộc đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 uống tại nhà như thuốc cúm

Cuộc đua sản xuất thuốc viên điều trị COVID-19 tại nhà đã nóng lên khi tiếp bước Pfizer và Merck, công ty dược phẩm Nhật Bản Shionogi bắt đầu thử nghiệm trên người loại thuốc dùng mỗi ngày một lần, vô hiệu hoá COVID-19 trong vòng chưa đầy một tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN