Mỹ tuyển ‘đạo quân ảnh hưởng’ Internet để đẩy nhanh tiêm chủng COVID-19

Nhà Trắng liên kết với nhiều ngôi sao Tiktok, một số bang trả tiền cho những người gây ảnh hưởng tại địa phương. Đó là một phần trong chiến dịch quảng bá đang được áp dụng tại Mỹ để đẩy nhanh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Christina Najjar tuyên bố không sợ bị gièm pha, nói xấu khi tham gia vào chiến dịch của Nhà Trắng. Ảnh: NYT

Tháng 6 vừa qua, Ellie Zeiler, 17 tuổi, nhà sáng tạo Tiktok với hơn 10 triệu người theo dõi, nhận được bức thư điện tử từ Village Marketing, một hãng chuyên về gây dựng ảnh hưởng thị trường. Trong thư, Village Marketing cho biết muốn thay mặt một lực lượng khác để tiếp cận Zeiler - đó chính là Nhà Trắng.

“Rất cần để nâng cao nhận thức về tiêm chủng với giới trẻ từ 12-18 tuổi. Chúng tôi hoạt động rất tích cực, chỉ còn vài chỗ trống đang chờ người. Vì thế hãy cho chúng tôi biết ý định của bạn sớm nhất”, Village Marketing viết. Zeiler nhanh chóng đồng ý và chính thức tham gia vào chiến dịch rộng lớn dựa trên vai trò cá nhân nhằm xử lý thách thức ngày một khẩn thiết trong cuộc chiến chống COVID-19: Tiêm ngừa cho giới trẻ, đối tượng có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Mỹ nằm trong độ tuổi được phép tiêm vaccine.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, chưa đến 50% người Mỹ từ 18-39 tuổi tiêm đủ liều, thấp hơn tỉ lệ 66% đối với nhóm trên 50 tuổi. Riêng trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi, 58% chưa chích ngừa một mũi. Để tiếp cận số người trẻ, Nhà Trắng đã lập ra một đạo quân điện tử, gồm 50 nhân vật là nhà phát sóng trực tiếp (Twitch streamers), các YouTubers, TikTokers và cả ngôi sao nhạc rock 18 tuổi Olivia Rodrigo.

Điểm chung là tất cả trong số này đều sở hữu lượng khán giả, người xem, người theo dõi lớn. Chính quyền các bang, địa phương cũng bắt tay khởi động chiến dịch tương tự, huy động và trả số thù lao lên đến 1.000 USD/tháng cho “người gây ảnh vi mô địa phương”, số có từ 5.000 đến 100.000 người theo dõi trên mạng. Mục đích chính vẫn là nâng cao ý thức của giới trẻ về tiêm phòng.

Nỗ lực trên là một phần của chiến dịch phản kích nhằm vào cơn thủy triều tin giả đang tràn ngập trên internet, nơi những nhà hoạt động bài vaccine hoạt động mạnh. Số này lớn tiếng chỉ trích “đội quân ảnh hưởng”, đến mức một số nhà sáng tạo nội dung trên mạng buộc phải chọn cách giữ im lặng về vaccine, không để bị công kích chính trị.

Theo Renee DiResta, nhà nghiên cứu về thông tin ngụy tạo tại Đài quan sát Internet Standford (Stanford Internet Observatory), chiến dịch gây ảnh hưởng này chưa thể đọ được phong trào chống vaccine hữu cơ, rộng khắp trên mạng về quy mô, cấp độ. Đó dường như là cuộc chiến phi đối xứng, giữa một bên ủng hộ thông điệp tiêm vaccine, với số bài vaccine – nhóm người không ngần ngại đẩy những dòng hashtags kèm nội dung theo ý họ.

Thế nhưng nếu như chiến dịch gây ảnh hưởng ngầm này đạt đến cấp độ của một vòi cứu hỏa trong cơn cháy rừng, nhiều nhà sáng tạo trên mạng cho biết họ bắt buộc phải tham gia. “Tôi không sợ bị công kích. Giúp truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine là việc làm đúng đắn”, Christina Najjar, ngôi sao TikTok với biệt danh trên mạng là Tinx nêu quan điểm.

Cô rất vui mừng khi được Nhà Trắng tiếp cận thông qua người quản lý hồi tháng 6. Ngay sau đó, cô gái 30 tuổi này đã đăng tải ngay loạt video trên Instagram có nội dung “hỏi-đáp về vaccine” thông qua đoạn băng trò chuyện với Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ.

Theo Giám đốc chiến lược số Nhà Trắng Rob Flaherty, chính quyền Mỹ bắt đầu chú ý tới sức mạnh của “đạo quân ảnh hưởng” trên mạng internet từ tháng 1 vừa qua, muốn tái sử dụng chiến thuật quảng bá qua nhóm đối tượng có ảnh hưởng với xã hội từng được ông Joe Biden vận dụng thành công trong chiến dịch tranh cử, nhưng lần này là để nâng cao nhận thức tiêm chủng, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Ngôi sao TikTok Ellie Zeiler trong căn phòng thu hình ở nhà riêng tại Escondido, California. Ảnh: NYT

Chính Flaherty cùng với Clarke Humphrey, Giám đốc phụ trách mảng số về COVID-19 ở Nhà Trắng, đã bắt tay với hai hãng Village Marketing và “Made to Save”, nhằm mở chiến dịch quốc gia về tăng tỉ lệ tiếp cận vaccine trong dân chúng. Tháng 6 vừa qua, nhóm này đã tổ chức một số buổi đối thoại qua ứng dụng Zoom để các nhà sáng tạo nội dung trên mạng có thể đặt ra các câu hỏi về vaccine cũng như cách thức họ triển khai công việc dưới góc độ là người gây ảnh hưởng.

Với ngôi sao Tiktok Zeiler, mọi chuyện diễn biến quá nhanh sau khi cô đồng ý tham gia vào chiến dịch của Nhà Trắng. Tháng 6, cô có cuộc trò chuyện trực tuyến với Tiến sĩ Fauci, sử dụng buổi ghi hình để bác bỏ những tin đồn vô căn cứ nói rằng vaccine có thể gây vô sinh – một thuyết âm mưu mà Zeiler từng nghe được từ bạn bè.

Kể từ đó, Zeiler cũng sử dụng hình ảnh, đoạn video trao đổi với tiến sĩ Fauci cho các nền tảng trực tuyến trên mạng khác như Instagram. Cô cũng bắt tay khởi tạo nội dung gốc đăng trên YouTube với thông điệp cổ vũ tiêm vaccine. “Tin tôi đi. Bạn có thể đi bất kỳ đâu nếu chích ngừa vaccine”, ngôi sao Tiktok người Mỹ nhìn thẳng vào màn hình camera và trò chuyện với khán giả trong đoạn video dài 47 giây. Cô cho biết sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi tất cả khán giả, người theo dõi cô an toàn và tiêm đủ liều vaccine.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (NYT)
Mỹ thay đổi đột ngột chiến thuật chống COVID-19 chỉ trong vài ngày
Mỹ thay đổi đột ngột chiến thuật chống COVID-19 chỉ trong vài ngày

Chỉ trong vài ngày, chính quyền các tiểu bang tại Mỹ tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc yêu cầu nhân sự phải tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN