Theo ghi nhận ban đầu, người dân ở tận thành phố Darwin, miền Bắc Australia cũng cảm nhận được sự rung lắc từ trận động đất này.
Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất xảy ra vào hồi 11h53 phút (giờ địa phương) với tâm chấn ở độ sâu 208 km ở phía Nam đảo Ambon thuộc Indonesia, trên biển Banda. Độ sâu của tâm chấn và cường độ của trận động đất đã gây ra sóng xung kích xung quanh khu vực này, khiến người dân phải bỏ chạy ra ngoài các toàn nhà.
Tại đảo Bali của Indonesia và thủ đô Dili của Timor Leste, người dân hoảng loạn bỏ chạy ra ngoài đường do cảm nhận được sự chấn động. Hiện vẫn chưa có thông tin về thiệt hại hay thương vong. Theo cơ quan cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương, do tâm chấn nằm sâu dưới lòng đất, nên trận động đất này không gây ra mối đe dọa về sóng thần, song cũng gây chấn động khu vực bị ảnh hưởng. Cơ quan địa vật lý Indonesia cho biết đã ghi nhận ít nhất 1 dư chấn với cường độ 4 sau trận động đất trên
Người dân tại khắp khu vực phía Bắc của Australia cũng cảm nhận được trận động đất trên. Tại thành phố Darwin, cách tâm chấn của trận động đất khoảng 700 km, người dân cảm nhận được sự chấn động vào lúc giờ ăn trưa. Nhiều người tại quận trung tâm của Darwin tháo chạy ra khỏi các tòa nhà sau khi xảy ra động đất.
Chris Elders, một chuyên gia về động đất thuộc Đại học Curtin của Australia cho hay với tâm chấn ở độ sâu 200 km và năng lượng tỏa ra bên ngoài và theo hướng đi lên từ tâm chấn, có thể cảm nhận được trận động đất này ở khu vực xa xôi như thành pố Darwin.
Trước đó cùng ngày, một trận động đất với cường độ 6,1 đã làm rung chuyển tỉnh Papua của Indonesia với tâm chấn ở độ sâu 21 km. Cho tới nay, chưa có thông tin về thương vong hay thiệt hại do trận động đất này.
Do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất và núi lửa hoạt động. Hồi năm ngoái, một trận động đất với cường độ 7,5 đã gây ra sóng thần ở Palu, trên đảo Sulawesi của nước này, khiến hơn 2.200 người mất tích và hàng nghìn người bị cho là mất tích.