Mặc dù đây là thời điểm chính thức tổ chức cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc, nhưng trên thực tế, do tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn phức tạp, Nga đã quyết định tổ chức bỏ phiếu trong 1 tuần, từ ngày 25/6 đến ngày 1/7.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, gói sửa đổi Hiến pháp lần này đề xuất sửa đổi 41 điều và bổ sung thêm 5 điều mới. Nghĩa là liên quan đến hơn 60% các điều khoản trong Hiến pháp 1993. Chính vì thế, Tổng thống Putin đã yêu cầu phải tổ chức bỏ phiếu trên toàn quốc về gói sửa đổi này, điều mà theo thủ tục của Luật Cơ bản hoàn toàn không đòi hỏi.
Sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ làm thay đổi cấu trúc thượng tầng ở nước Nga. Tức là chuyển bớt quyền từ Tổng thống sang Quốc hội và chính phủ, đồng thời hướng tới một hệ thống nghị viện dân chủ và cân bằng hơn so với Hiến pháp năm 1993.
Sửa đổi Hiến pháp cũng quy định không cho phép các quan chức chính phủ có quốc tịch kép, phải thường xuyên sống ở Nga và không được mở tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài.
Các sửa đổi cũng rất chú trọng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, bảo vệ các giá trị gia đình, bảo tồn di sản văn hóa, hỗ trợ cho khoa học Nga…
Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin đã kêu gọi người dân Nga tích cực đi bỏ phiếu vì với việc bỏ phiếu ủng hộ các sửa đổi, người dân Nga đã bỏ phiếu cho quốc gia mà họ muốn sống.
Ủy ban bầu cử trung ương của Nga (SIK) ngày 30/6 cho biết tổng số người dân đi bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp đến nay đã đạt 45,7%, tương đương với 49.649.010 người, tính cả những người bỏ phiếu qua mạng. Trước đó tin cho biết tỷ lệ bỏ phiếu trực tuyến, gồm người dân ở thủ đô Moskva và tỉnh Nizhny Novgorod, đã đạt mức 93,02%, tức là hơn 1 triệu người. Tính đến ngày 30/6, địa phương ở Nga có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất là Chechnya với 75,8% số cử tri đã đi bầu.