Trong bối cảnh giới chuyên gia cho biết Afghanistan đang trải qua một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử, cũng như dự kiến sản lượng lúa mì hàng năm có thể giảm tới gần 50% và hàng triệu vật nuôi có nguy cơ bị chết do nguồn nước cạn kiệt, các tổ chức cứu trợ đang kêu gọi tài trợ cho các quỹ khẩn cấp và hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan.
Ông Necephor Mghendi, người đứng đầu Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm (IFRC) tại Afghanistan khẳng định người dân đang chịu nhiều cú sốc. Hạn hán ảnh hưởng tới nguồn thực phẩm và phân phối thực phẩm, trong khi xung đột khiến số người phải sơ tán ngay trong nội bộ nước này gia tăng, kéo theo nhu cầu thực phẩm gia tăng tại một số khu vực.
Cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết toàn bộ nước này đang phải đối mặt với hạn hán từ vừa phải cho đến nghiêm trọng, đồng thời thừa nhận nguồn ngân sách quản lý khủng hoảng không đủ để trang trải thiệt hại do hạn hán gây ra. Ông khẳng định chính phủ sẽ không để đất nước phải đối mặt với nạn đói, do đó lực lượng chức năng đang nỗ lực giải quyết vấn đề này tại tất cả các khu vực, ngay cả những vùng đang do Taliban chiếm giữ.
Do có rất ít hệ thống tưới tiêu, nên hệ thống sông ngòi và các cánh đồng tại Afghanistan phụ thuộc chủ yếu vào lượng tuyết tan trên núi. Tuy nhiên, tuyết rơi rất ít vào mùa Đông năm ngoái. Các nhà khoa học cho rằng việc Trái Đất ấm lên, do lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng, đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới và Afghanistan là một minh chứng về biến đổi khí hậu.
Không chỉ phải hứng chịu những tác động của hạn hán, người dân Afghanistan cũng đang chứng kiến các vụ bạo lực đang ngày một gia tăng khi Taliban tăng cường các cuộc tấn công trên khắp nước này. Hiện Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan.
Afghanistan nằm trong danh sách “điểm nóng về nạn đói” gồm 23 nước, được Liên hợp quốc công bố trong báo cáo đưa ra hồi tháng trước, với ít nhất 12 triệu người dân trong tổng số 36 triệu người nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. IFRC đang nỗ lực huy động 16,5 triệu USD, song mới chỉ nhận chưa được 1/2 số tiền này.