Người có vũ trang chiếm tòa nhà chính quyền ở Crưm

Hãng thông tấn Interfax của Nga ngày 27/2 đưa tin nhiều người đàn ông trang bị vũ trang đã chiếm tòa nhà chính quyền và nhà quốc hội trên bán đảo Crimea (Crưm) của Ukraine.

Đây là khu vực hôm 26/2 xảy ra một cuộc đụng độ giữa những người ly khai thân Nga và người ủng hộ chính phủ tạm quyền ở Ukraine.

Người biểu tình Ukraine. Ảnh: AP


Thủ lĩnh người Tatar ở Crimea, ông Refat Chubarov viết trên trang Facebook: "Tôi được cho biết rằng các tòa nhà quốc hội và hội đồng bộ trưởng đã bị nhiều đối tượng có vũ trang chiếm giữ. Hiện chúng chưa đưa ra bất cứ yêu sách nào".

Cũng theo ông Chubarov, nhóm vũ trang này mặc quân phục không có bất cứ phù hiệu nào để nhận biết.

Ngay sau diễn biến trên, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov tuyên bố đã đặt cảnh sát và các binh sĩ thuộc bộ này trong tình trạng báo động. Trên trang Facebook, ông Avokov viết: "Sáng nay, các phần tử lạ mặt được vũ trang súng tự động và súng máy đã chiếm tòa nhà chính quyền Crimea ở Simferopol. Các binh sĩ thuộc Bộ Nội vụ và toàn bộ lực lượng cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động". Ông nhấn mạnh rằng khu vực này đã bị cách ly "để ngăn chặn đổ máu".

Trong khi đó, giới chức Ukraine xác nhận nhóm vũ trang thân Nga đã giành quyền kiểm soát các tòa nhà chính quyền và quốc hội ở khu vực này, kéo cờ Nga trên các tòa nhà này.

Trong một diễn biến khác, tờ "Nhân dân Nhật báo", tờ báo hàng đầu của Trung Quốc số ra ngày 27/2 đã chỉ trích Phương Tây duy trì "tâm lý Chiến tranh Lạnh" đối với Nga trong cuộc đua giành ảnh hưởng với Ukraine, đồng thời kêu gọi xóa bỏ tư duy lỗi thời như vậy để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Kiev.

Báo trên đăng bài xã luận cho thấy phản ứng mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh trước mối bất hòa giữa Phương Tây và Nga đang gia tăng kể từ sau vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich sau nhiều tuần biểu tình.

Bài viết có đoạn: "Các học thuyết liên quan đến hoạt động chính trị, kinh tế và an ninh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh hiện vẫn đang ảnh hưởng tới thế giới quan của nhiều người và một số người phương Tây vẫn chất chứa oán giận đối với nước Nga". Bài viết kêu gọi các quốc gia Phương Tây "từ bỏ suy nghĩ lỗi thời" này và mở rộng hợp tác.


TN (Theo Reuters)

Cuộc khủng hoảng Ukraine và tương lai Hạm đội Biển Đen
Cuộc khủng hoảng Ukraine và tương lai Hạm đội Biển Đen

Các diễn biến mới đây đã khiến ngay cả thỏa thuận về sự đồn trú của Hạm đội Biển Đen cũng ở trong thế lung lay. Về nguyên tắc, Nga cũng không còn nơi nào khác để di chuyển Hạm đội Biển Đen bởi căn cứ quân sự mới ở vùng Krasnodar hiện mới đang trong giai đoạn xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN