Người cao tuổi Trung Quốc chuộng mua sắm trực tuyến

“Tôi đặc biệt thích mua váy trên mạng. Tôi đủ váy để mặc mỗi ngày một chiếc suốt cả tháng”, bà Yang Ha’na, 81 tuổi, sống tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc cho biết. 

Chú thích ảnh
Ngày nào bà Yang Ha'na cũng mua hàng trực tuyến. Ảnh: CGTN

Kể từ lúc được con trai dậy cách mua sắm trực tuyến cách đây 2 năm, bà Yang trở nên “nghiện” các ứng dụng thương mại điện tử, tìm kiếm và mua mọi thứ từ thực phẩm, quần áo đến đồ gia dụng. 

Trung bình một ngày, bà Yang nhận 4 bưu kiện gửi đến. Số tiền bà bỏ ra để mua hàng trực tuyến chừng 1.000 – 3.000 NDT/tháng. Chồng bà thích sưu tầm đồ cổ nên cũng thường lên mạng tìm kiếm. Đa số đồ nội thất và thiết bị điện tử trong nhà họ đều là hàng mua trên mạng. 

“Nền kinh tế bạc” số hóa

Chỉ trong vài năm, “nền kinh tế bạc” ở Trung Quốc – thuật ngữ ám chỉ mảng kinh doanh phục vụ đối tượng người cao tuổi tóc bạc – đã phát triển vượt bậc, phần lớn nhờ thị trường thương mại điện tử khổng lồ tại quốc gia này trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra nhanh chóng. Số liệu của Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc cho thấy trong số 940 triệu người dùng internet tại đây, lượng người trên 60 tuổi đã tăng từ 4% hồi cuối năm 2016 lên 10,3% vào tháng 6/2020. 

Theo kênh CGTN, Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng. Cuối năm 2019, 254 triệu dân Trung Quốc ở độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 18,1% tổng dân số cả nước. Tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 12,6%. Ước tính vào năm 2025, Trung Quốc sẽ có 300 triệu người cao tuổi từ 60 trở lên.

Khi Trung Quốc đang hướng đến xã hội già hóa vừa phải, “nền kinh tế bạc” đã trở thành một trong những mặt trận mới nhất được thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới này tập trung khai thác. Sống vào thời kỳ hoàng kim của internet và mạng xã hội, cùng với thanh toán di động tiện lợi và dịch vụ hậu cần nhanh chóng, thói quen tiêu dùng của người cao tuổi đã thay đổi.

Nhiều nhà bán lẻ trực tuyến đã tung ra các sản phẩm và dịch vụ bao gồm chăm sóc sức khỏe tuổi già, giải trí và du lịch.

Dữ liệu của tập đoàn thương mại điện tử JD.com cho thấy vào năm 2017, một người từ 60 tuổi trở lên chi tiêu nhiều gấp hai, gấp ba lần so với các đối tượng khác. Từ năm 2016 đến năm 2018, số lượng người cao tuổi mua hàng trên Taobao và chi nhánh Tmall tăng 1,6 lần. Theo công bố của hãng iMedia Research, quy mô thị trường của “nền kinh tế bạc” đã vượt 3,7 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2018. Hãng tư vấn trên dự báo con số trên sẽ đạt 5,7 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021. 

Đại dịch góp phần thúc đẩy 

Chú thích ảnh
Tìm kiếm hàng hóa trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến đã trở thành một thói quen mới của bộ phận không nhỏ người cao tuổi Trung Quốc. Ảnh: CGTN

Trong bối cảnh cuộc sống “trực tuyến hóa” do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các thành viên thuộc nhóm dân số “tóc bạc” mong muốn mở rộng kiến thức công nghệ. 

Kết quả khảo sát hồi tháng 3 và tháng 6 của Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc cho thấy tỷ lệ người dùng internet từ 60 tuổi trở lên tăng 3,6 điểm % chỉ trong một quý. Tỷ lệ này còn cao hơn cả ba năm trước cộng lại.  

Đa số người dùng cao tuổi mới bắt đầu mua sắm trên mạng trong quý hai là do tác động của các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch bệnh. Trong giai đoạn này, tiêu dùng trực tuyến chạm mức kỷ lục, tăng gần 21%. Người cao tuổi chính là một nhân tố chính dẫn đến sự gia tăng này.

Theo báo cáo mới đây của tập đoàn Alibaba, chi tiêu trực tuyến của người cao tuổi trong thời dịch có mức tăng trưởng nhanh thứ hai, chỉ xếp sau thế hệ sinh năm 2000 trở về sau. Người cao tuổi bắt đầu chuyển hướng mua thực phẩm trên mạng, đặc biệt là rau tươi, thịt, cá, để tuân thủ lệnh giãn cách xã hội. Trong 8 tháng đầu năm, người cao tuổi đã chi nhiều tiền để mua thực phẩm hơn người bình thường. 

“Tôi thích trữ đường trắng Taikoo và thường mua ba gói một lần. Thời xưa khó khăn nên chúng tôi quen mua tích trữ thực phẩm”, bà Yang nói. 

Không ngờ, đại dịch đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở quốc gia châu Á này và định hình một thói quen mới cho người tiêu dùng.

Hippo Fresh, đơn vị bán lẻ mới của Alibaba, nhận thấy người cao tuổi đang trở thành phân khúc dân số phát triển nhanh nhất. Họ vẫn đặt hàng trực tuyến ngay cả sau khi số ca mắc COVID-19 giảm đi và cuộc sống trở lại bình thường. Hơn nữa, họ còn chi tiêu nhiều hơn nhiều hơn thế hệ sau sinh sau những năm 1990 và 2000. 

Những người bị bỏ lại phía sau

Trong khi nhóm dân số “tóc bạc” chuộng công nghệ gia tăng, vẫn còn rất nhiều người cảm thấy lạc lõng với xu hướng kỹ thuật số hóa này. Liên tục xuất hiện tin tức về việc người trên 70 tuổi không thể vào bệnh viện hoặc chính khu nhà ở của họ vì không biết cách quét mã khai báo y tế trên điện thoại. Tệ hơn, một số người còn không sử dụng điện thoại thông minh. 

Thế hệ người lớn tuổi đang có sự phân chia rõ rệt: giữa người am hiểu công nghệ và người “mù tịt” công nghệ. Sự phân chia này có thể dẫn đến tác động nghiêm trọng trong bối cảnh các dịch vụ công cũng như dịch vụ thương mại đều gia tăng số hóa. 

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu chi tiêu cũng như phục vụ tốt số lượng người cao tuổi đang tăng lên, thách thức thật sự nằm ở vấn đề cần đảm bảo không người nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua hướng tới tương lai. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Nở rộ xu hướng dùng công nghệ UAV trong nông nghiệp tại Trung Quốc
Nở rộ xu hướng dùng công nghệ UAV trong nông nghiệp tại Trung Quốc

Nhờ những tiến bộ trong công nghệ tự động, xu hướng ứng dụng phương tiện không người lái (UAV) trong nông nghiệp đang nở rộ ở Trung Quốc với tốc độ chưa từng có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN