Trước thềm Năm mới, người Ba Lan đã ồ ạt nhập cảnh vào tỉnh Kaliningrad của LB Nga. Nguyên nhân là do tỷ giá hối đoái thay đổi, hàng hóa Nga trở nên rẻ hơn khiến người dân Ba Lan kéo nhau xếp hàng dài cả vài km tại biên giới để nhập cảnh vào tỉnh Kaliningrad. Vượt qua cửa khẩu phải mất 4 tiếng song các vị khách vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Sau khi tỷ giá hối đoái thay đổi, kể cả với đồng zloty của Ba Lan, người dân Ba Lan đã ồ ạt tới Nga mua bánh mật, kẹo, cá hộp, cá sống ở các cửa hàng nằm gần biên giới.
Cô Pani Yolanta hy vọng có thể về nhà vào lúc nửa đêm, dù cô sống tại Olsztyn, chỉ cách biên giới 80km. Từ lâu cô đã muốn sang Bagrationovsk song chỉ có thể đi vào ngày nghỉ. Cô giải thích: "Hiện đang là ngày nghỉ ở Ba Lan vì vậy rất đông người tới Nga. Nếu không phải ngày nghỉ, biên giới sẽ bớt đông hơn. Tôi đã mua cá vược và cá hồi. Ở Ba Lan giá cả đắt hơn".
Hàng dài ô tô chờ làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới Ba Lan - Nga. |
Phần lớn các du khách Ba Lan đến Nga là "benzinschik" (người vận chuyển xăng). Hành trình của họ kết thúc ở trạm bán xăng gần nhất. Các bình xăng xe của họ được đổ đầy hết mức có thể, sau đó họ vội vã quay trở lại biên giới.
Xăng tại Ba Lan đắt gấp đôi ở Nga. Nhân viên biên phòng Ba Lan kiểm soát gắt gao lượng xăng Nga nhập khẩu vào nước này, vì họ phải bảo vệ không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường nhiên liệu của Liên minh châu Âu (EU). Các benzinschik có "tiểu xảo" của mình để vận chuyển khối lượng xăng nhiều hơn cho phép: trong mỗi thùng sau xe có một cái kích, và nếu nâng bánh có bình xăng lên, họ có thể đổ thêm được 10 lít xăng.
Một benzinschik cho biết: "Tất cả đều sử dụng xe Volkswagen bởi loại xe này có bình xăng lớn nhất, có thể vận chuyển tới 100 lít xăng. Chúng tôi chỉ được sang Nga đổ xăng 3 lần mỗi tuần".
Tại các trạm xăng, người Ba Lan còn có thể mua một mặt hàng thông dụng khác là than. Người Ba Lan ở gần biên giới mua than để sưởi ấm tại nhà riêng và thậm chí là phục vụ cho các khách sạn nhỏ. Chị Maria Kuzina, nhân viên thu ngân trạm xăng cho biết: "Một tấn than ở Nga giá từ 6.000-7.000 ruble, trong khi ở Ba Lan giá 10.000 ruble nên đương nhiên than ở Nga rẻ hơn nhiều. Họ nói không mua để bán lại mà là sử dụng tại gia đình".
Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)