Ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya vật lộn với COVID-19

Trên một đỉnh núi hẻo lánh của Ấn Độ, đại dịch COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn do thiếu cơ sở hạ tầng, vật tư y tế, thuốc men và thông tin cần thiết.

Chú thích ảnh
Một cậu bé được nhân viên y tế cộng đồng ở làng Durmi, bang Uttarakhand kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: Guardian

Theo trang The Guardian (Anh), bà Phalguni Devi, 51 tuổi, đã phải ở trong một chuồng gia súc suốt 2 tuần. Vào một chiều mưa đầu tháng 6, Devi lo lắng rằng nếu cơn mưa không ngớt, các triệu chứng sốt của bà sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Việc pha chế thảo dược không hiệu quả và chuyến đi đến nhà dược sĩ ở thị trấn gần nhất, trong thung lũng Nijmola trên dãy Himalaya, kéo dài cả ngày, cũng không giúp ích được gì.

Chồng và con gái của Devi nhận thức được sự nguy hiểm của COVID-19 đã chuyển bà đến một nơi riêng biệt, khi nhận thấy bà phát sốt sau lần tiêm mũi vaccine đầu tiên. 

“Chồng tôi đã định đưa tôi đến gặp nhân viên y tế ở làng bên, nhưng cô ấy chỉ đến đó mỗi tháng 1 lần để tiêm phòng định kỳ cho trẻ em và giờ là tiêm vaccine COVID-19. Chúng tôi không biết phải làm gì hay làm thế nào để điều trị bệnh”, bà Devi nói. 

Chú thích ảnh
Bà Phalguni Devi, 51 tuổi, đã phải sống trong chuồng gia súc suốt 2 tuần. Ảnh: Guardian

Không chỉ thiếu thốn cơ sở hạ tầng, vật tư y tế, ngôi làng xa xôi này ở Ấn Độ còn không thể tiếp nhận những thông tin phòng dịch COVID-19 cần thiết.

Làng Pagna của bà Devi cách đường cao tốc chính đến Badrinath khoảng 20km. Nép mình trong thung lũng Himalaya đẹp như tranh vẽ, ngôi làng này đã tồn tại trong hơn 1 thế kỷ. Không có đường sá thuận lợi và chỉ có 2 trung tâm chăm sóc sức khỏe cho tất cả 10 ngôi làng, đại dịch hoành hành ở Ấn Độ đã gây ra nỗi lo lớn cho 16.000 cư dân sinh sống trong thung lũng.

Chú thích ảnh
Làng Pagna ở thung lũng Nijmola, bang Uttarakhand, Ấn Độ. Ảnh: Guardian

Bệnh viện gần nhất cách thị trấn Gopeshwar 38km. Để đến được đây, bà Devi sẽ phải đi bộ qua một con sông lạnh như băng, sau đó leo qua một ngọn đồi để ra được đường lớn. Đi taxi đến bệnh viện sẽ mất 2 giờ và tốn hơn 70 USD (1,6 triệu đồng), số tiền quá lớn so với dân làng có thu nhập ít ỏi.

Một tuần sau khi xuất hiện triệu chứng sốt và họ, chồng của Devi đưa bà đến gặp một dược sĩ ngay bên ngoài thung lũng. Bà được cho uống paracetamol để hạ sốt, thuốc giảm đau để làm giảm cơn đau lưng cấp tính. Nhưng các loại thuốc này cũng không làm giảm các triệu chứng,  gia đình bà lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Họ có nên mạo hiểm đưa bà đến bệnh viên, nơi đang quá tải bệnh nhân COVID-19 hay không.

Theo một ước tính, trên 80% người dân sống trong thung lũng đều có các triệu chứng giống sốt trong 5 tuần qua. Hầu hết các trường hợp đều mắc bệnh nhẹ, nhưng có thể cảm nhận được không khí căng thẳng đã bao phủ ngôi làng yên bình này.  

Vào đầu tháng 5, khi đại dịch bùng phát đỉnh điểm, Prem Singh, 36 tuổi, một nhà hoạt động ở làng Durmi bên cạnh, đã viết thư cho giám đốc y tế của Gopeshwar đề nghị giới chức cử một nhóm xét nghiệm đến ngôi làng. Nhưng nhóm xét nghiệm đầu tiên vài tuần sau mới đến được đây chỉ với bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

“Vào thời điểm các nhóm chuyên gia y tế đến ngôi làng, các triệu chứng đã bắt đầu giảm. Trước đó, khi chưa có sự trợ giúp, mọi người quyết định ở nhà và uống các loại thảo dược tự pha chế. Rất may là không có thương vong”, anh Singh nói.

Chú thích ảnh
Prem Singh, một nhà hoạt động địa phương, chơi với trẻ em ở làng Durmi, gần Pagna. Ảnh: Guardian

Người dân địa phương đã cố gắng tự bảo vệ mình. Than Singh, người làm công việc thu mua thảo dược cho tổ chức phi lợi nhuận Udyogini, đã phân phát lá cây húng quế và cây jatamansi, một loại cây thuộc họ nữ lang, giúp hạ sốt, cho dân làng.

Cô Godavari Devi làm việc tại trung tâm y tế cộng đồng Aangadwadi vẫn phải tiếp tục công việc của mình mặc dù không nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ trong suốt 3 tháng. Mua những thứ cần thiết từ cửa hàng, như bột mì và nho khô, cô đi từng nhà để cung cấp cho phụ nữ mang thai, kiểm tra nhiệt độ và phân phát bộ dụng cụ vệ sinh và chăm sóc sức khỏe thiết yếu.

“Chúng tôi đã được yêu cầu mua mọi thứ bằng tiền túi của mình vì chính quyền đã cam kết sẽ hoàn trả cho chúng tôi. Nhưng kể từ tháng 4, trung tâm Aanganwadi vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào, dù vậy, chúng tôi dự kiến vẫn sẽ cung cấp vật tư mỗi tháng. Trong thời điểm này, khi mọi người không có bất kỳ thu nhập nào, chúng tôi buộc phải sử dụng tiền tiết kiệm của mình, ”cô nói.

Chú thích ảnh
Godavari Devi, phải, một nhân viên y tế cộng đồng, băng qua thung lũng để cung cấp bộ dụng cụ vệ sinh và thực phẩm miễn phí cho các bà mẹ mới sinh ở Durmi. Ảnh: Guardian

Godavari cho biết đại dịch đã khiến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác phải tạm dừng. Vào tháng 5, trong làng có 3 ca sinh và một trẻ đã tử vong. Người mẹ đã từ chối đến bệnh viện vì biết rằng khoảng cách đến đó quá xa và các bệnh viện đã quá tải bệnh nhân COVID-19 . 

“Tháng 4 và tháng 5 là những tháng tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đảm bảo các đội xét nghiệm lưu động ở tất cả các phân khu huyện. Nijmola là một thung lũng hẻo lánh và một phần không thể tiếp cận được. Do đó, chúng tôi đã xây dựng một trung tâm tạm thời gần thung lũng”, bác sĩ Mahendra Singh Khati, Giám đốc y tế của Bệnh viện Gopeshwar, cho biết.

Chú thích ảnh
Cụ Baisakhi Devi, 90 tuổi, được nhân viên y tế cộng đồng ở làng Durmi kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: Cheena Kapoor

Bác sĩ Khati cho biết từ đầu năm đến tháng 3, bệnh viện chỉ có 15 ca tử vong. Nhưng trong 2 tháng qua, con số này đã tăng lên 40 ca. Nhiều nhân viên y tế cũng đã mắc bệnh, 69 nhân viên y tế đã mắc COVID-19 trong tháng 4 và tháng 5. Ông cho rằng dù có nhiều thách thức, các nhân viên y tế và đội xét nghiệm lưu động đã làm một công việc tuyệt vời.

Vào tháng 2, Thủ hiến bang Uttarakhand lúc bấy giờ là Trivendra Singh Rawat đã đến thăm thung lũng. Đây là lần đầu tiên sau 70 năm một quan chức cấp cao của nhà nước đặt chân đến nơi này.

Ông Rawat đã công bố nhiều dự án phát triển cho khu vực này, bao gồm cả những con đường tốt hơn và mở một trung tâm y tế. Nhưng tất cả những điều này vẫn là những lời hứa và dân làng vẫn đang phải tiếp tục cuộc chiến khó khăn của họ chỉ để sinh tồn.

Hải Vân/Báo Tin tức
Diễn biến nghi vấn 'rò rỉ phóng xạ' tại lò phản ứng hạt nhân Đài Sơn, Trung Quốc
Diễn biến nghi vấn 'rò rỉ phóng xạ' tại lò phản ứng hạt nhân Đài Sơn, Trung Quốc

Công ty thiết kế lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn đã cảnh báo nhà máy đang đối mặt với "mối đe doạ phóng xạ sắp xảy ra", trong khi giới chức nhà máy và cơ quan quản lý Trung Quốc khẳng định nhà máy tuân thủ mọi yêu cầu và hoạt động bình thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN