Chưa tiêm vaccine - Điểm chung của các bệnh nhân COVID-19 nặng ở Mỹ

Đa số bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch phải nhập viện ở Mỹ trong thời gian gần đây đều có một điểm chung, đó là chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Chú thích ảnh
Phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở California (Mỹ). Ảnh: NBC News

Theo trang NBC News, chỉ còn 3 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Tim Sandra Atlas Bass thuộc Bệnh viện Đại học North Shore, Long Island, New York. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 600 bệnh nhân điều trị vào thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh ở New York trước đó. 

Bác sĩ Hugh Cassiere, Trưởng khoa ICU của bệnh viện, cho biết cả ba bệnh nhân này đều đang nằm tại khoa Hồi sức tích cực (ICU) và đều có một điểm chung đó là chưa tiêm vaccine. Tình trạng này đang xuất hiện ngày càng phổ biến trong các bệnh viện trên khắp nước Mỹ.

"Tôi chưa chứng kiến bất cứ người nào mắc bệnh nặng sau khi được tiêm vaccine đầy đủ", bác sĩ Josh Denson thuộc Trung tâm Y tế Đại học Tulance ở New Orleans, bang Louisiana, nói.

Bác sĩ Ken Lyn-Kew, một nhà nghiên cứu về bệnh phổi tại khoa chăm sóc tích cực của Bệnh viện National Jewish, Denver, bang Colorado, cũng nhận thấy điều tương tự: “Không có bệnh nhân nguy kịch nào của chúng tôi đã được tiêm phòng".

Các bác sĩ nhấn mạnh trẻ em không được tiêm vaccine cũng có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn. 

“Tại các bệnh viện địa phương, những đứa trẻ mắc bệnh hầu hết chưa được tiêm phòng”, bác sĩ Natasha Burgert, Bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện Overland Park, Kansass, cho biết. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhờ có vaccine COVID-19, số bệnh nhân nhập viện đã giảm mạnh, từ trên 125.000 bệnh nhân vào đầu tháng 1 xuống chỉ còn trên 15.000 bệnh nhân vào tuần trước. 

“Các loại vaccine đang hoạt động rất hiệu quả. Thật đáng buồn khi không sử dụng chúng”, bác sĩ Denson nói. 

Chú thích ảnh
Người cao tuổi được tiêm vaccine COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: NBC News

Tại Mỹ, hơn 1 nửa số người trưởng thành, chiếm khoảng 53%, đã được tiêm phòng đầy đủ. Các bác sĩ chăm sóc tích cực cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng COVID-19 cho người dân.

Bác sĩ Todd Rice tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Nashville, Tennessee, cho biết cơ sở này đã tiếp nhận ít nhất 32 bệnh nhân chỉ được tiêm một mũi vaccine, nghĩa là họ đã tiêm một mũi hoặc không có đủ thời gian cho hệ miễn dịch phát triển kháng thể sau mũi cuối cùng. Ông nói rằng đa số bệnh nhân mắc bệnh trong những tháng gần đây, kể từ khi vaccine được phân phối rộng rãi, đều là người chưa được tiêm bất kỳ mũi vaccine nào.

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 11/6, các trường hợp mắc bệnh sau khi tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Nếu kịch bản này có xảy ra, bệnh nhân cũng khó có khả năng phải nhập viện điều trị. Những người phải nhập bệnh viện thường có điểm chung là bị ức chế miễn dịch, đồng nghĩa với việc cơ thể họ không phản ứng tốt với vaccine.

Bác sĩ Rice đã chứng kiến những trường hợp đã tiêm vaccine cần nhập viện, nhưng hầu hết là những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, do đó cơ thể họ không phản ứng tốt với vaccine.

“Một trong những người chúng tôi chăm sóc bị ung thư, một người khác đang dùng thuốc ức chế miễn dịch vì bệnh thấp khớp”, bác sĩ cho biết.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu 70% người trưởng thành Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 4/7. Tuy nhiên, tỉ lệ người đi tiêm chủng thấp trong thời gian gần đây cho thấy có thể khó đạt được mục tiêu đã đề ra. 

Trên thực tế, chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Mỹ đã gặt hái được thành công ban đầu khi làm chậm tốc độ gia tăng số ca tử vong do bệnh này. Theo số liệu tổng hợp của Reuter, trung bình số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi tại Mỹ trong 7 ngày qua đã giảm gần 90% so với mức đỉnh điểm hồi tháng 1/2021. Cụ thể trong tháng 5, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ là 18.587 ca, giảm 81% so với tháng 1. Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. 

Nhờ tiêm chủng, trung bình số ca mắc COVID-19 nhập viện điều trị cũng đã giảm mạnh. Ngày 2/6, số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các bệnh viện của Mỹ giảm xuống dưới 20.000 ca lần đầu tiên kể từ ngày 24/6/2020. Tuy nhiên, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện lại gia tăng ở nhóm ít tuổi, từ 12 đến 17 tuổi.

Trong tuần qua, Mỹ đã tiêm 1,1 triệu liều vaccine/ngày, giảm 67% so với mức trung bình trong 7 ngày trước đó. Trong bối cảnh này, chính quyền Tổng thống Biden và chính quyền các bang đã phát động các chương trình để khuyến khích người dân Mỹ đi tiêm chủng như cung cấp dịch vụ trông trẻ và đưa đón miễn phí cho người đi tiêm chủng, kéo dài thời gian mở cửa các trung tâm tiêm chủng và người tiêm có cơ hội trúng trưởng 1 triệu USD hoặc học bổng đại học khi tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng.

Hải Vân/Báo Tin tức
Nhân viên thu ngân tại Mỹ bị bắn vì nhắc khách hàng đeo khẩu trang
Nhân viên thu ngân tại Mỹ bị bắn vì nhắc khách hàng đeo khẩu trang

Một nhân viên thu ngân tại một siêu thị ở bang Georgia hôm 14/6 đã bị bắn chết chỉ vì yêu cầu một người đàn ông đeo khẩu trang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN