Năm 2025, đền Borobudur đặt mục tiêu thu hút 1,7 triệu khách du lịch. Giám đốc điều hành và phát triển hạ tầng của Công ty Du lịch Borobudur (TWC) Mardijono Nugroho cho biết công ty nhà nước này, với tư cách là đơn vị quản lý ngôi đền, đặt mục tiêu thu hút khách du lịch không chỉ đến ngôi đền này mà còn đến tham quan vùng lân cận.
Ông chia sẻ, TWC có kế hoạch phát triển thêm ba khu khác trong quần thể Đền Borobudur để thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa, trong đó Khu 3 là Làng nghệ thuật Borobudur. Trong kỳ nghỉ Giáng sinh 2024 và Năm mới 2025, ước tính số lượng du khách đạt đỉnh vào khoảng 11.000 lượt vào ngày 29/12/2024. Trong năm 2024, ngôi đền đặt mục tiêu thu hút 1,5 triệu du khách, tuy nhiên thực tế chỉ đạt khoảng 1,3 triệu du khách (87% mục tiêu). Trong số này, khách du lịch quốc tế đến thăm ngôi đền đạt 200.000 lượt.
Borobudur là một trong những điểm đến du lịch siêu ưu tiên của Indonesia, trong chiến lược thúc đẩy ngành du lịch của nước này nhằm phát triển thêm nhiều điểm đến ngoài hòn đảo Bali nổi tiếng. Ông Nugroho nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các bên liên quan để thúc đẩy và tối đa hóa tiềm năng của ngôi đền Phật giáo, với mục tiêu kích thích nền kinh tế địa phương.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (SOE) Erick Thohir tuyên bố đang tìm cách đưa quần thể di sản Đền Borobudur trở thành điểm đến du lịch tâm linh, văn hóa và giáo dục đẳng cấp thế giới. Ông nhấn mạnh đến tác động trực tiếp từ sự phát triển của khu vực Borobudur đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Sự gia tăng số lượng du khách và việc tối ưu hóa khu vực Borobudur đã mang lại sự cải thiện cho các doanh nghiệp địa phương, bao gồm tăng thu nhập và tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo.
Sự phát triển của khu vực Borobudur cũng bao gồm việc chuyển đổi các bảo tàng thành các trung tâm giáo dục và văn hóa năng động hơn. Bảo tàng Borobudur hiện được thiết kế để giới thiệu các giá trị đã định hình nên nền văn minh Indonesia.