Theo hãng tin Reuters (Anh), giới chức Mỹ cho biết cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Vương Nghị diễn ra tại một khu nghỉ dưỡng tại Bali (Indonesia), một ngày sau khi hai nhà lãnh đạo cùng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo truyền thông, hai nhà lãnh đạo có cuộc hội đàm vào buổi sáng và sau đó ăn trưa cùng nhau.
Đây là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa hai ngoại trưởng kể từ tháng 10/2021 và nằm trong chuỗi các cuộc tiếp xúc gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại thời điểm căng thẳng lên cao liên quan đến nhiều vấn đề. Cuộc gặp nhằm mục đích đưa mối quan hệ đang trong tình trạng khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc đi vào ổn định, ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột.
“Không điều gì có thể thay thế cho các cuộc ngoại giao trực tiếp. Đặc biệt, trong một mối quan hệ phức tạp và mang tính hệ quả như mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, có rất nhiều điều để nói. Tôi rất mong đợi một cuộc trò chuyện hiệu quả và mang tính xây dựng.”, ông Blinken nói với các phóng viên khi bắt đầu cuộc hội đàm.
Trong cuộc hội đàm, ông Vương Nghị và người đồng cấp Blinken đã thảo luận về một loạt các vấn đề gây tranh cãi - bao gồm vấn đề Đài Loan, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, vấn đề nhân quyền và thuế quan thương mại.
Cả hai bên cũng rất chú trọng đến việc duy trì mối quan hệ ổn định giữa hai quốc gia. Đáng chú ý, ông Blinken và giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc thảo luận lại về những vấn đề trên trong những tuần tới.
Ông Vương Nghị nói với các phóng viên: “Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia lớn, vì vậy hai nước cần duy trì trao đổi bình thường. Đồng thời, chúng ta cần trao đổi cùng nhau để đảm bảo rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển theo đúng hướng”.
Ông cũng thường xuyên nhắc lại cam kết của Trung Quốc về việc tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi. Theo ông, điều đó phục vụ lợi ích của hai quốc gia, hai dân tộc. Đó cũng là nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế.
Song, quan chức Mỹ cho biết trước mắt, họ không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào từ các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo này. Giới chức hy vọng cuộc trao đổi này có thể giúp hai bên duy trì đường dây liên lạc cởi mở, tạo chỗ dựa vững chắc trong việc chỉ dẫn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết các vấn đề ngày càng phức tạp và có khả năng bùng nổ xung đột.
Ông Daniel Russel - nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, người có liên hệ chặt chẽ với các quan chức chính quyền Tổng thống Biden - nhận định ông tin rằng mục tiêu chính của cuộc gặp này là tìm hiểu khả năng tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, với tư cách là hai nhà lãnh đạo. Ông nói rằng cuộc gặp này có thể diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 tới.
Trước đó, ông Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, cho biết ông mong đợi cuộc trao đổi thẳng thắn với Ngoại trưởng Vương Nghị. Ông nói rằng đây sẽ là một cơ hội khác “để truyền đạt kỳ vọng của Mỹ về những gì chúng tôi mong đợi Trung Quốc làm và không nên làm trong cuộc xung đột tại Ukraine”.
Ngay trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, Bắc Kinh và Moskva đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn”. Song giờ đây, Mỹ và Trung Quốc đang cho thấy lập trường ngày càng đối đầu, bao gồm cả vấn đề Ukraine. Giới quan sát lo ngại điều này có thể dẫn đến tính toán sai lầm và bùng nổ xung đột. Mỹ đã thận trọng theo dõi các động thái của Trung Quốc khi nước này từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, đồng thời chỉ trích biện pháp trừng phạt của phương Tây và cáo buộc Mỹ và NATO kích động xung đột.
Giới chức Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả, bao gồm cả các lệnh trừng phạt, nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho hoạt động quân sự đặc biệt Nga, nhằm làm suy yếu quân đội Ukraine. Song cho đến nay, các nhà quan sát cho biết họ chưa thấy bằng chứng về việc Bắc Kinh gửi vũ khí cho Moskva.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát tình hình, ngài tổng thống đã nói rõ với Chủ tịch Tập Cận Bình về các tác động và hậu quả của bất cứ việc cung cấp các thiết bị như vậy”.
Song dù đang tình trạng cạnh tranh chiến lược, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là đối tác thương mại lớn của nhau. Tổng thống Biden đang xem xét loại bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế lạm phát gia tăng, trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, với sự kiểm soát của Quốc hội.