Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 14/1 dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “Mỹ đồng hành cùng các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ chủ quyền và lợi ích của họ phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ duy trì hành động cho đến khi Bắc Kinh ngưng hành vi ép buộc tại Biển Đông”.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ còn đề cập đến quyết định của Bộ Thương mại nước này bổ sung Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vài danh sách đen kinh tế không được giao dịch với công dân Mỹ vì đã “nạt nộ” các nước khác tại Biển Đông.
Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".