Lời kêu gọi trên được Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Đức-Liên minh châu Âu (EU) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 14/9.
Hội nghị được tổ chức với sự đồng chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch EC Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen.
Theo truyền thông Đức và hãng tin AP, Thủ tướng Merkel và các nhà lãnh đạo EU cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó trọng tâm gồm có thương mại-đầu tư, xây dựng lòng tin và giải quyết những chủ đề chính trị gai góc gây tổn hại cho quan hệ giữa các bên.
Tân Hoa xã đưa tin, tại hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng EU và Trung Quốc nên tuân thủ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, cởi mở, hợp tác và đa phương, cũng như tăng cường đối thoại và tham vấn nhằm đảm bảo quan hệ song phương phát triển tích cực và ổn định.
Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang thúc đẩy sự thay đổi chưa từng có trong một thế kỷ, nhân loại đang đứng trước ngã rẽ mới, ông kêu gọi hai bên quyết tâm thúc đẩy sự phát triển hiệu quả và ổn định của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa EU và Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU đã quyết định thiết lập đối thoại cấp cao về môi trường và khí hậu, cũng như trong lĩnh vực số, nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác xanh và hợp tác số. Ngoài ra, lãnh đạo hai bên cũng công bố lễ ký chính thức thỏa thuận về chỉ dẫn địa lý (GI).
Trước đó cùng ngày, EU và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận bảo hộ tên thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống xuất khẩu của nhau từ phô mai mặn làm bằng sữa cừu/dê ở Hy Lạp cho đến bột đậu Pixian của Trung Quốc. Động thái này diễn ra trước thềm các cuộc thảo luận đầy khó khăn về thương mại, biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai bên.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tôn trọng tên gọi của 100 mặt hàng thực phẩm từ châu Âu và tên gọi 100 mặt hàng thực phẩm tương đương của Trung Quốc, lấy ví dụ như Trung Quốc sẽ chỉ cho phép sử dụng từ "sâm panh" đối với rượu vang nổ có nguồn gốc từ vùng mang tên đó của Pháp.
Thỏa thuận mới nói trên là bước đi táo bạo của EU trong lĩnh vực thương mại do các nhà sản xuất của Mỹ, Australia hoặc New Zealand sẽ không thể tiếp tục sử dụng các tên gọi đã được bảo hộ trên các sản phẩm xuất khẩu của họ sang Trung Quốc, cho dù vẫn có một giai đoạn chuyển tiếp đối với các sản phẩm phô mai nhất định.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản và thực phẩm lớn thứ 3 trên thế giới của EU trong năm 2019, với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 14,5 tỷ euro (17,2 tỷ euro). Hiện EU và Trung Quốc cũng đang nỗ lực để ký kết một thỏa thuận bảo hộ đầu tư vào cuối năm nay nhằm tạo cơ hội lớn hơn cho EU tiếp cận thị trường Trung Quốc, cũng như hạn chế việc liên minh này gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.