Phát biểu sáng 4/8 tại họp báo trước thềm Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan tại Singapore, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ "lạc quan rằng chúng ta sẽ đạt kết quả theo đúng lịch trình đã định và thế giới sẽ vui mừng về điều mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã yêu cầu".
Ông cho biết: "Công việc đã bắt đầu. Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là việc mà ai cũng biết là sẽ mất thời gian".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định cần duy trì sức ép ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên và Mỹ sẽ nghiêm khắc với bất kỳ hành động nào nhằm giảm việc thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ.
Ông nói: "Tôi muốn nhắc nhở tất cả những nước nào ủng hộ các nghị quyết của LHQ rằng đây là một vấn đề nghiêm túc". Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ hy vọng Nga và tất cả các nước sẽ tuân thủ đầy đủ các nghị quyết và thực thi các lệnh trừng phạt.
Trước đó, Nga đã bác bỏ thông tin được đăng tải trên tờ the Wall Street Journal cho rằng Moskva đã cho phép thêm hàng nghìn người lao động Triều Tiên vào Nga và cấp cho họ giấy phép làm việc, động thái đồng nghĩa với việc vi phạm các trừng phạt của LHQ. Đại sứ Nga tại Triều Tiên cũng bác bỏ một cáo buộc khác rằng Moskva vi phạm nghị quyết của LHQ hạn chế cung cấp dầu cho Triều TIên.
Theo kế hoạch, chiều nay, Ngoại trưởng Pompeo sẽ tham gia Diễn đàn ARF tại Singapore, nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 vừa qua và nhất trí hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đổi lại các đảm bảo an ninh của Mỹ cho Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cũng tham gia Diễn đàn này. Tuy nhiên, hai bên không lên kế hoạch cho cuộc gặp song phương nào tại đây.
Các tuyên bố trên được đưa ra khi một báo cáo mật của LHQ, bị rò rỉ cùng ngày, cho biết Triều Tiên vẫn chưa dừng chương trình hạt nhân và tên lửa, vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Theo báo cáo, Triều Tiên đã "tăng cường" hoạt động chuyển sản phẩm dầu từ tàu sang các tàu ở trên biển một cách bất hợp pháp và đây vẫn là "một phương pháp chính yếu để tránh trừng phạt" với sự tham gia của 40 tàu và 130 công ty liên doanh.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng "tìm cách cung cấp vũ khí nhỏ hạng nhẹ (SALW) cũng như các thiết bị quân sự khác thông qua các bên trung gian nước ngoài (như một bên trung gian về vũ khí của Syria)" tới Libya, Yemen và Sudan.
Các chuyên gia LHQ cũng chỉ rõ các vi phạm lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, sắt, hải sản và các sản phẩm khác mang lại hàng triệu USD cho chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Báo cáo trong 6 tháng, dài 62 trang, đã được các chuyên gia độc lập giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt của LHQ soạn thảo và gửi tới Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên của HĐBA vào tối 3/8. Hiện phái bộ Triều Tiên tại LHQ chưa có bình luận gì về báo cáo này.