Bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Paris, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định kế hoạch di dời trên "sẽ không xảy ra trong năm nay hay năm tới", song nhấn mạnh rằng mong muốn di dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel của Tổng thống Donald Trump là "rất cụ thể và không thể xoay chuyển".
Trước đó, ngày 6/12, Tổng thống Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này một khi công tác chuẩn bị hoàn tất. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, lo ngại sẽ hủy hoại tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, và đe dọa an ninh khu vực.
Quy chế của thành phố Jerusalem vốn là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với người Hồi giáo. Vì vậy các cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều nước có đông người Hồi giáo như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan và Indonesia, thậm chí ở cả những nước mà người Hồi giáo chỉ là thiểu số như Bangladesh và Ấn Độ. Đặc biệt, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestine đã phát động biểu tình rầm rộ vào ngày thứ Sáu với tên gọi "Ngày thịnh nộ" 8/12. Hàng nghìn người dân Palestine đã đổ xuống đường phố khu Bờ Tây, Dải Gaza, Đông Jerusalem. Đụng độ đã làm hàng chục người bị thương.
Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967 và sau đó tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ nước này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Quy chế của thành phố Jerusalem là một trong những vấn đề gai góc nhất trong tiến trình hòa đàm Israel-Palestine.