Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đưa ra ngày 29/8, chỉ một ngày sau khi Mỹ hối thúc quốc gia Hồi giáo tham gia đàm phán.
Trả lời báo giới trong chuyến thăm Malaysia, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh phía Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống lại người dân Iran và đối với Tehran, việc đối thoại với Mỹ trong bối cảnh này là không thể.
Ông nêu rõ Iran không thể đàm phán với Mỹ trong tình trạng Washington gây sức ép kinh tế và đe dọa chiến tranh chống Tehran. Theo nhà ngoại giao Iran, nếu Mỹ muốn trở lại phòng đàm phán, thì cần phải "mua vé vào cửa", đó là phải tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức), còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ông Zarif nhấn mạnh Iran cần một cuộc gặp có kết quả với Mỹ, chứ không phải chỉ vì đây là cơ hội tiếp xúc.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào thời điểm thích hợp nhằm chấm dứt sự đối đầu giữa hai nước liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. Đáp lại, Tổng thống Rouhani khẳng định sẽ không đối thoại với Mỹ cho đến khi tất cả lệnh trừng phạt nhằm vào Iran được dỡ bỏ.
Ngoại trưởng Zarif đưa ra tuyên bố trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên tiếng hối thúc Iran tham gia các cuộc thảo luận với Mỹ nhằm làm giảm tình trạng căng thẳng tại vùng Vịnh. Ông Esper cho biết Washington không tìm kiếm xung đột với Tehran và muốn can dự bằng con đường ngoại giao.
Những động thái trên diễn ra sau khi Ngoại trưởng Zarif bất ngờ tới Biarritz, Tây Nam nước Pháp hồi cuối tuần trước, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), và tiến hành các cuộc đối thoại bên lề với Tổng thống Emmanuel Macron và các quan chức Pháp khác. Các cuộc gặp này được cho là nhằm mở đường cho một giải pháp ngoại giao giải quyết tình trạng căng thẳng giữa Iran và Mỹ.
Căng thẳng Mỹ - Iran tái bùng phát kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ. Từ đó, Mỹ dần tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết nêu trong thỏa thuận.