Chương trình nghị sự lần này xoay quanh tiến trình hòa bình Trung Đông, trong bối cảnh EU đang nỗ lực thuyết phục Israel từ bỏ kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây. Israel dự định sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan, trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 1 vừa qua. Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu tuyên bố kế hoạch sáp nhập có thể được triển khai từ đầu tháng 7 tới.
Một quan chức cấp cao EU cho biết tại cuộc họp, các Ngoại trưởng EU sẽ thể hiện sự phản đối đối với kế hoạch sáp nhập trên mà họ cho rằng sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Quan chức này nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục mọi người rằng việc sáp nhập đó không phải là một ý tưởng tốt và sẽ tạo ra sự bất ổn, và Chính phủ Israel nên cân nhắc lại".
Bên cạnh đó, EU cũng đang ngày càng lo ngại về việc Tổng thống Trump rút nước này khỏi các tổ chức và thỏa thuận quốc tế, gần đây nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp ước Bầu trời mở với Nga. Nhiều nước châu Âu sau đó đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận mà các nước này xem là đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng lòng tin trong nhiều thập kỷ qua nhằm tăng cường an ninh và sự minh bạch tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.
Cuộc họp lần này khởi đầu cho một tuần căng thẳng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khi hội nghị trực tuyến của Bộ trưởng Quốc phòng các nước trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dự kiến diễn ra trong 2 ngày 17-18/6, được dự báo sẽ bị "phủ bóng đen" bởi kế hoạch gây tranh cãi của Mỹ về rút bớt binh sĩ khỏi Đức.
Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump đã khiến mối quan hệ với các đồng minh châu Âu chao đảo trong những năm gần đây, song giới chức EU vẫn quyết tâm duy trì đối thoại với Washington, dù có ít tiến bộ đạt được.