Theo tờ Dailymail, trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tối 27/4, bà Truss cảnh báo rằng nếu Nga thắng ở Ukraine, sẽ có hậu quả trên toàn cầu. Bà cho rằng Anh và đồng minh phải tiếp tục tiến xa hơn, mạnh hơn trong đẩy Nga ra khỏi Ukraine.
Khi dự báo chiến tranh ở Ukraine sẽ còn kéo dài, bà Truss cho rằng phải sẵn sàng về lâu về dài.
Bà Truss khẳng định rằng không được để Nga có phần lãnh thổ nào của Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình. Bà cho rằng khủng hoảng ở Ukraine phải là chất xúc tác để cải tổ toàn diện cách tiếp cận với an ninh quốc tế của phương Tây.
Dự báo gây sốc của bà Truss được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây lo ngại cuộc chiến ở Ukraine có thể lan sang Moldova hay Gruzia, khiến xung đột kéo dài nhiều năm tới.
Trước đó, ngày 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố chiến tranh hạt nhân là không thể chấp nhận được, song cho rằng mối đe dọa này là hiện hữu. Ông Lavrov tuyên bố lập trường ngay từ ban đầu của Nga là không thể chấp nhận được việc để nổ ra chiến tranh hạt nhân và Moskva đã thuyết phục thành công Mỹ cùng các cường quốc hạt nhân khác nhất trí về điều này vào tháng 1/2022.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng cho rằng tình hình kể từ thời điểm đó tới nay đang xấu đi, tới mức xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng và thực tế về một cuộc chiến tranh kiểu như thế.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo các lực lượng bên ngoài can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine, cam kết sẽ có phản ứng “nhanh như chớp” đối với những hành động này và sẽ sử dụng vũ khí tiên tiến nhất của Nga.
Theo đài RT, phát biểu với các nhà lập pháp ở Moskva ngày 27/4, ông Putin nói: “Nếu ai đó quyết định can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra từ bên ngoài và tạo ra các mối đe dọa chiến lược không thể chấp nhận được đối với chúng ta, thì họ nên biết rằng phản ứng của chúng ta đối với những đòn tấn công sắp tới sẽ nhanh như chớp. Chúng ta có tất cả các công cụ để làm điều này. Công cụ mà không ai ngoại trừ chúng ta có thể có khoe. Nhưng chúng ta sẽ không khoe khoang. Chúng ta sẽ sử dụng chúng nếu có nhu cầu”.
Ông Putin nói thêm rằng các nhà chức trách Nga đã đưa ra tất cả các quyết định cần thiết để chuẩn bị cho phản ứng như vậy.
Tuần trước, Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat tối tân. Loại vũ khí có khả năng hạt nhân mới này có thể mang theo một số đầu đạn, có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện có nhờ tốc độ cực cao và khả năng cơ động liên tục trong hành trình bay.
Không giống như Nga, Mỹ và các đồng minh NATO hiện không có vũ khí siêu vượt âm trong biên chế.
Các nước phương Tây đã tích cực cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không, xe bọc thép và pháo, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga. Họ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm làm giảm khả năng của Nga trong việc tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn loại trừ việc NATO can dự trên bộ hoặc áp đặt khu vực cấm bay trên Ukraine, vì lo ngại về xung đột trực tiếp với Nga.
Nga đã nhiều lần chỉ trích việc cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine, nói rằng chúng chỉ làm mất ổn định tình hình và cản trở triển vọng hòa bình. Ngày 26/4, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cáo buộc NATO không khác gì gây chiến với Nga nếu sử dụng một lực lượng ủy nhiệm và trang bị cho lực lượng đó.