Theo trang Asiatimes, vào đầu tháng 9, một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo từ cộng đồng Druze của Liban đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Syria, Bashar Al-Assad tại Damascus trong một động thái khiến nhiều nhà quan sát khu vực ngạc nhiên.
Đó là do vị thế của Tổng thống Syria - sau nhiều năm cuộc nội chiến đẫm máu – tưởng chừng không còn được đề cao trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, theo lời ông Assad phát biểu với các vị khách Liban, những ngày này, "nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia Arab và phi Arab đang liên lạc với chúng tôi, nhưng yêu cầu chúng tôi giữ bí mật điều này."
Ngoại giao sôi động khắp "bàn cờ" Trung Đông
Những liên hệ “bí mật” đó đã diễn ra sôi nổi trong những ngày gần đây trong bối cảnh xung đột đang nối lại ở Syria.
Trên thực tế, trước việc quân đội chính phủ Syria, được sự hỗ trợ của Nga, đã trấn áp được lực lượng phiến quân ở thành phố Dara’a ở miền nam vào đầu tháng này, các nhà ngoại giao đã di chuyển xung quanh bàn cờ Trung Đông với một tốc độ bất thường.
Vào ngày 28/8, các nhà lãnh đạo và ngoại trưởng từ Jordan, Ai Cập, Kuwait, Qatar, Iraq và cả Pháp (nhà lãnh đạo ngoài Trung Đông, tham dự với vai trò nhà đồng tổ chức) đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Đông ở Baghdad. Ngoài ra còn có các ngoại trưởng Iran và Saudi Arabia - những đối thủ lâu năm của nhau trong khu vực. Tương tự, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh trên bất chấp những tranh chấp lớn về các vấn đề từ Libya đến hiện trạng Trung Đông.
Các đại diện của Trung Quốc gần đây cũng đã đến thăm Damascus, chúc mừng ông Al-Assad tái đắc cử tổng thống.
Trong khi đó, Mỹ hiện đã bật đèn xanh cho kế hoạch vận chuyển khí đốt tự nhiên của Ai Cập đến Liban ngang qua Syria, bất chấp các lệnh trừng phạt của Washington cấm hoạt động thương mại qua lãnh thổ Syria.
Sau sự kiện Thượng đỉnh Trung Đông, ngày 16/9, nhà lãnh đạo Syria đã bay đến Moskva để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Cuộc gặp diễn ra khi các nhà lãnh đạo đối lập Syria cảnh báo về một cuộc tấn công tiềm tàng mới của lực lượng chính phủ và Nga nhằm vào thành trì cuối cùng của phiến quân ở Idlib, phía tây bắc đất nước.
Hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập ở Syria là nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thù địch với Tổng thống Al-Assad kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến năm 2011.
Nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ, Syria trong cuộc định hình lại khu vực
Bất chấp những đối đầu kéo dài giữa Damascus-Ankara, một trong những cuộc gặp “bí mật” đáng ngạc nhiên nhất gần đây là sự kiện đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 9. Giới truyền thông khi đó cho rằng quan chức lãnh đạo tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và Syria - là Hakan Fidan và Ali Mamluk – đã gặp nhau tại Baghdad.
Hôm 7/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavasoglu cho biết trên truyền hình nước này rằng các nhà ngoại giao hai nước thực sự đã gặp gỡ thường xuyên để thảo luận về các biện pháp an ninh và “chống khủng bố”. “Điều này là bình thường”, ông Cavasoglu nói. Tuy vậy, phát ngôn này lại gây ra phản ứng từ Bộ Ngoại giao Syria, nơi dứt khoát phủ nhận “bất kỳ giao tiếp hoặc đàm phán nào với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đứng ở hai phe đối lập liên quan đến cuộc chiến Idlib và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm giữ một vùng ở phía bắc Syria, hai bên cũng chia sẻ những lợi ích chung nhất định. Đặc biệt, họ chia sẻ mối quan ngại về một bên “phi Arab” khác trong cuộc xung đột hiện tại: đó là người Kurd.
Armenak Tokmajyan, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Trung Đông, nói với Asia Times: “Sự phản đối mạnh mẽ chống lại việc hình thành một chính quyền tự trị của người Kurd ở đông bắc Syria đã hợp nhất Ankara và Damascus. Đó có thể là điểm khởi đầu để bắt đầu các cuộc thảo luận.”
Đúng là vậy, một giai đoạn mới có thể đang diễn ra khi Trung Đông một lần nữa được tái định hình để đối mặt với một thực tế mới.
Tiến sĩ Arzu Yilmaz, một chuyên gia khu vực và là học giả thỉnh giảng của Đại học Hamburg (Đức), nói với Asia Times: “Những gì đang diễn ra lúc này không khác gì sự định hình của thời kỳ hậu Mỹ ở Trung Đông. ”
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng phía nam chắc chắn là một phần quan trọng của quá trình tái định hình đó. Thổ Nhĩ Kỳ duy trì lực lượng quân sự ở cả Syria và Iraq. Trước đây, sau một loạt các hoạt động xuyên biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các đồng minh ở Syria chiếm giữ một dải lãnh thổ dài vùng biên giới. Họ cũng duy trì một loạt căn cứ trong vùng đối lập Irbil. Ở đó, Ankara ủng hộ nhóm đối lập lớn nhất, Quân đội Quốc gia Syria (SNA).
Tại Iraq, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ nhiều đồn bốt quân sự ở phía bắc đất nước, nơi phần lớn dân cư là người Kurd, mặc dù Ankara khẳng định đây không phải là chuyện lâu dài.
Ankara khẳng định rằng các nhóm người Kurd ở các khu vực biên giới Syria và Iraq, như Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm ly khai bị cả Ankara, Mỹ và Liên minh châu Âu xếp vào danh sách “tổ chức khủng bố”.
Đối với người Kurd, tin tức về các cuộc gặp giữa hai chóp bu tình báo Fidan và Mamluk gây lo ngại lớn. Cộng thêm việc Mỹ - người ủng hộ quốc tế chính của SDF, sẽ kết thúc các hoạt động chiến đấu ở nước láng giềng Iraq vào cuối năm nay, cũng là một động thái cũng có thể có tác động đến SDF và YPG ở Syria.
Với nhiều động thái nữa trên bàn cờ ngoại giao sắp tới - như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thăm Moskva sau cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc - danh sách những vị khách “bí mật” của Tổng thống Syria, Al-Assad có thể còn dài thêm.