Trong hai ngày 7 và 8/12, các nhà khoa học Nam Phi và Đức đã công bố kết quả sơ bộ của 2 nghiên cứu nhỏ. Dù chưa được thẩm định, song các kết quả này góp phần giải đáp một phần câu hỏi trên.
Dữ liệu các nghiên cứu cho thấy các loại vaccine hiện nay giảm hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, song vẫn có khả năng bảo vệ người bệnh không bị trở nặng. Nghiên cứu tại Đức cho thấy mũi tiêm tăng cường sẽ khôi phục một phần hiệu quả của vaccine, ít nhất là trong một vài tháng.
Tại Nam Phi, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Y tế châu Phi lấy mẫu máu của khoảng một chục người đã tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer và xem xét hiệu quả của kháng thể trong việc tiêu diệt virus. Kết quả cho thấy, kháng thể do vaccine tạo ra có thể vô hiệu hóa khá tốt các biến thể trước đây của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, khả năng của kháng thể đối với việc tiêu diệt biến thể Omicron lại giảm đáng kể. Cụ thể, theo nghiên cứu, hiệu quả bảo vệ của vaccine đối với biến thể Omicron giảm khoảng 40 lần so với các biến thể lây lan hồi mùa Hè năm 2020.
Là người tiến hành các nghiên cứu tương tự để đánh giá hiệu quả vaccine của Pfizer, nhà virus học Pei-Yong Shi thuộc Trung tâm Y tế Đại học Texas (UTMB) ở Galveston cũng cho rằng hiệu quả của vaccine đối với biến thể Omicron giảm rất nhiều so với các biến thể trước.
Các phát hiện này được cho là củng cố thêm những dự đoán của giới chuyên gia về biến thể mới Omicron - được Nam Phi báo cáo lần đầu tiên cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 25/11 và sau đó được WHO xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại. Biến thể này chứa nhiều đột biến được cho là có thể làm suy yếu khả năng của các kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu sơ bộ này, các nhà khoa học cho rằng nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron. Trên thực tế, Nam Phi cũng đang thông báo nhiều ca tái nhiễm.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan, khi vaccine có thể bảo vệ bệnh nhân khỏi nguy cơ trở nặng và tử vong, ngay cả với biến thể Omicron. Hầu hết những người đã tiêm vaccine tham gia nghiên cứu tại Nam Phi vẫn có khả năng tiêu diệt virus và ngay cả khi kháng thể hoạt động không nhiều, song người bệnh không phải nhập viện.
Giới chuyên gia lưu ý bên cạnh sản sinh ra kháng thể, hệ miễn dịch của con người còn có các công cụ khác để ngăn chặn bệnh trở nặng, đặc biệt là các tế bào T. Theo các nhà khoa học, tế bào T có khả năng chống lại Omicron cao hơn kháng thể.
Trong khi đó, nghiên cứu tại Đức cho thấy mũi tiêm tăng cường, bằng vaccine của Pfizer hoặc Moderna, có thể làm tăng khả năng trung hòa của các kháng thể, ít nhất là trong vài tuần sau khi tiêm nhắc lại. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Goethe ở Frankfurt đã xem xét hiệu quả của kháng thể đối với biến thể Omicron và biến thể Delta trong vòng nửa tháng và 3 tháng sau mũi tiêm tăng cường. Về ngắn hạn, hiệu quả của kháng thể đối với biến thể Delta đã tăng ở 50% số người tiêm mũi thứ 3 tham gia nghiên cứu. Tuy nhiên, sau 3 tháng, hầu hết kháng thể của những người tham gia nghiên cứu giảm xuống mức khi chưa tiêm mũi tăng cường.
Trong thông cáo báo chí công bố ngày 8/12, hãng dược phẩm Pfizer cũng ủng hộ những kết quả nghiên cứu này. Theo đó, việc tiêm 2 mũi vaccine là chưa đủ để ngăn chặn việc lây nhiễm biến thể Omicron (không bị trở nặng), song việc tiêm nhắc lại thường xuyên sẽ giúp khôi phục hiệu quả của vaccine.