Gạo tại kho dự trữ ở Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo các nhà quan sát, tình trạng thiếu và thừa gạo ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và sinh kế của người dân, hơn nữa tình trạng bất ổn trong nguồn cung có thể gây tác động vượt xa bàn ăn.
Chật vật bởi thừa cung
Ông nông dân Park Geun Sik gần cả cuộc đời gắn liền với đồng ruộng ở Haenam, một thị trấn nông nghiệp thuộc tỉnh Nam Jeolla, cách Seoul khoảng 330km về phía Nam. Khi mới bắt đầu, mọi tác vụ từ gieo hạt giống đến tuốt lúa đều thực hiện bằng tay. Gạo khan hiếm đến mức có những ngày cấm bán gạo.
Sau đó, khi Hàn Quốc bắt đầu nỗ lực tự cung tự cấp, máy móc xuất hiện và các giống lúa năng suất cao được ra mắt. Giống như hầu hết nông dân ở Hàn Quốc, ông Park là thành viên của Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia Nonghyup.
Theo CNA (Singapore), Nonghyup mua gạo trực tiếp từ người nông dân, sau đó xử lý mọi việc từ phơi, bảo quản đến đóng gói và phân phối. Ông Park nói: “Hầu hết thành viên hợp tác xã đều thấy biện pháp này tiện lợi hơn".
Hằng năm, chính phủ Hàn Quốc nhập khẩu và mua gạo từ nông dân để đảm bảo an ninh lương thực. Chính phủ cũng mua “gạo cách ly”, tức là nguồn cung được đưa ra khỏi thị trường nhằm mục tiêu bình ổn giá cả.
Theo số liệu chính thức, chính phủ Hàn Quốc đã mua 1,2 triệu tấn gạo trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2024. Con số này tương đương với 1,9 tỷ USD gạo đang được lưu trữ trong kho của chính phủ.
Chính phủ Hàn Quốc dự trữ khoảng 17 - 18% lượng gạo tiêu thụ hàng năm đề phòng trường hợp thiên tai hoặc chiến tranh. Con số này tương đương khoảng 700.000 đến 800.000 tấn.
Lượng gạo dự trữ cũ thường được bán cho các nhà sản xuất thực phẩm chế biến còn gạo thu hoạch gần đây được cung cấp cho các gia đình có thu nhập thấp, với giá chỉ 2 USD một bao 10kg. Đối với gạo bán lẻ, giá dao động dựa trên các yếu tố như năng suất thu hoạch.
Tuy nhiên, nông dân Hàn Quốc đang thất vọng bởi lợi nhuận giảm. Ông Gu Gwang Seok, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Liên đoàn Nông dân Hàn Quốc (Gwangju), cho biết giá gạo hầu như không tăng trong 30 năm qua. Ông Gu Gwang Seok cho rằng hàng nhập khẩu đã đẩy giá gạo nội địa xuống thấp. Ông lập luận: "Mỗi năm, chúng tôi nhập khẩu khoảng 13% sản lượng gạo trong nước. Về khối lượng, con số này tương đương khoảng 408.000 tấn”. Nhiều người nông dân đã yêu cầu chính phủ bảo đảm giá gạo và ngừng nhập khẩu.
Trong khi đó, cánh cửa xuất khẩu gạo lại chẳng mấy khả quan. Hầu hết các quốc gia không ưa chuộng loại gạo Japonica hạt ngắn, dẻo mà Hàn Quốc sản xuất, ngoại trừ Nhật Bản.
Đau đầu vì thiếu hụt
Nông dân trồng lúa trên cánh đồng tại Namie, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tháng 4 vừa qua ghi dấu mốc lần đầu tiên Nhật Bản mua gạo Hàn Quốc kể từ năm 1999. Tại siêu thị trên khắp Nhật Bản, gạo đang được bán với giá cao chót vót kỷ lục hoặc thậm chí là hết hàng. Giá gạo vào tháng 5 năm nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tháng 7, giá gạo trung bình khoảng 27 USD (gần 706.000 đồng) một bao 5kg, khiến chính phủ Nhật Bản phải giải phóng nguồn dự trữ khẩn cấp. Tuy nhiên, việc bán gạo tràn lan đang làm cạn kiệt nguồn dự trữ, tính đến nay chỉ còn khoảng 100.000 tấn gạo.
Nhật Bản nhập khẩu 770.000 tấn gạo mỗi năm. Lượng gạo do khu vực tư nhân nhập thêm phải chịu mức thuế quan cao, khoảng 2,3 USD/kg.
Nhưng khi giá gạo trong nước tăng vọt, lượng gạo nhập khẩu từ khu vực tư nhân cũng tăng lên. Vào tháng 5, lượng gạo nhập khẩu đã đạt khoảng 10.600 tấn - chủ yếu từ Mỹ - tăng so với mức chỉ 115 tấn của năm ngoái.
Nhật Bản bắt đầu trả tiền cho nông dân để giảm diện tích trồng lúa vào những năm 1970 nhằm giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa và giữ giá gạo ở mức cao. Hiện nay, mục tiêu sản xuất vẫn do chính phủ đặt ra và chịu chi phối của Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản (JA) với hầu hết nông dân là thành viên.
Theo các chuyên gia, khoảng 70% sản lượng thu hoạch được bán thông qua JA, phần còn lại bán cho các nhà bán buôn, bán lẻ hoặc trực tiếp cho người tiêu dùng. Năm nay, JA đã gửi cho nông dân Kazuyoshi Fujimoto ở tỉnh Hyogo tờ rơi chào mua gạo của ông với giá tối thiểu 11.500 yên (77,5 USD) cho mỗi 30kg, gấp đôi so với năm ngoái.
Ông Kazuyoshi Fujimoto sở hữu 15 ha đất trồng lúa nhưng đã bắt đầu chuyển hướng khỏi trồng lúa từ hai năm trước do chi phí cao. Ông nói: “Để chăm sóc ruộng lúa, cần phải đầu tư vào máy móc. Nếu máy móc hỏng, chi phí thay thế sẽ từ 5 đến 6 triệu yên (33.700 đến 40.400 USD). Vì vậy, tôi lên kế hoạch chuyển hoàn toàn từ ruộng lúa sang trồng sung”.
Ông chia sẻ: “Cho đến ba năm trước, giá do JA chi trả vẫn ổn định. Nhưng trong một hoặc hai năm trở lại đây, giá đã tăng nhẹ, khoảng 30%. Rồi năm nay, giá đã tăng mạnh”.
Sản lượng gạo đã giảm mạnh trong những năm qua, từ mức đỉnh điểm 14,45 triệu tấn vào năm 1967 xuống còn dưới 7 triệu tấn vào năm ngoái. Nông dân Nhật Bản nói với CNA rằng họ bối rối trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đột ngột.
Tại Nagano, vùng đất nổi tiếng với địa hình đồi núi và gạo chất lượng cao, một số nông dân cho biết giá gạo của họ đang tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Mùa màng thất bát do nắng nóng và du lịch nội địa gia tăng đột biến được cho là những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt.
Dân số nông nghiệp của Nhật Bản cũng đang giảm dần. Các nhà phân tích cho rằng điều quan trọng là phải ngừng giảm diện tích trồng lúa và củng cố các trang trại quy mô nhỏ bằng cách khuyến khích chủ sở hữu - chủ yếu là người cao tuổi - cho các doanh nghiệp lớn thuê đất.
Các phương án thay thế
Trong khi đó, người nông dân Hàn Quốc đang theo dõi sát sao. Tại Haenam, điều kiện đã chín muồi để chuyển đổi ruộng lúa sang các loại cây trồng khác. Những người nông dân như ông Kim Jun Hyeong được chính phủ khuyến khích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng đậu.
Ông Kim Jun Hyeong phân tích: “Đối với đậu, giá khoảng 4.000 đến 4.500 won (2,9 - 3,3 USD) một kg. Trong khi đó, giá gạo thậm chí còn chưa đến 2.000 won một kg”. Hiện tại, ông Kim dành một nửa diện tích đất nông nghiệp để trồng đậu. Thu nhập của ông đã tăng gần gấp đôi.
Ở những thành phố như Seoul, gạo đang tìm thấy một cuộc sống mới. Cửa hàng bánh Rike Bakery mới khai trương vài tháng trước đã tạo khác biệt khi sử dụng bột gạo làm nguyên liệu chính. Chính phủ cũng quảng bá bột gạo nhằm thúc đẩy nhu cầu sử dụng gạo trong nước.
Chủ sở hữu của Rike Bakery – cô Jeon Hee Ju tâm sự: “Tôi nghĩ gạo có hình ảnh tốt hơn lúa mì. Vì vậy, khi khách hàng nghe nói rằng bánh được làm từ gạo, họ cảm thấy nó lành mạnh và dễ ăn hơn”.