Động thái này của EP mang đến kỳ vọng các thỏa thuận thương mại trong khuôn khổ hiệp định này sẽ nhanh chóng được thực thi vào tháng 3 tới.
Thủ tướng Justin Trudeau (thứ 3 phải) và các thành viên đoàn Canada sau lễ ký CETA ở Brussels ngày 30/10/2016. Ảnh:AP/TTXVN |
Trong phiên họp tại thành phố Strasbourg, Pháp, các nghị sĩ châu Âu đã thông qua CETA với 408 phiếu thuận, 254 phiếu chống và 33 phiếu trắng. Trong khi dó, người dân các nước thành viên EU phản đối mạnh mẽ hiệp định trên. Khoảng 700 người đã tuần hành bên ngoài trụ sở nghị viện EU ngày 15/2 phản đối CETA.
Trước đó, ngày 13/2, những người phản đối CETA đã trình lên Nghị viện châu Âu bản kiến nghị với 3,5 triệu chữ ký của công dân châu Âu, yêu cầu các nghị sĩ châu Âu phản đối hiệp định mà EU đã ký với Canada, cũng như ngừng đàm phán với Mỹ về Hiệp định tự do thương mại xuyên Đại Tây dương (TTIP) giữa EU-Mỹ. Những người phản đối cho rằng CETA là mối đe dọa đối với nền dân chủ, nhà nước pháp quyền, các lĩnh vực y tế, môi trường, dịch vụ công cũng như quyền của người tiêu dùng và quyền của người lao động, đồng thời là yếu tố củng cố quyền lực cho các công ty đa quốc gia.
Theo quy định, CETA cần phải được quốc hội tất cả các nước thành viên EU, Canada và nghị viện một số chính quyền khu vực thông qua mới chính thức có hiệu lực.
Một khi có hiệu lực, CETA sẽ kết nối EU - một trong những thị trường lớn nhất thế giới gồm 500 triệu dân - với Canada - nền kinh tế rất năng động và lớn thứ 10 toàn cầu. Hàng hóa thông thương giữa hai bên sẽ được giảm tới 99% thuế suất.
CETA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng thêm 12 tỷ euro mỗi năm đồng thời giúp tạo ra nhiều việc làm mới trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến quyền hạn của các chính phủ trong vấn đề điều tiết lợi ích công, đặc biệt là đối với các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.
EU và Canada ký thỏa thuận thương mại nói trên vào ngày 27/10 sau 7 năm đàm phán.