Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, vị nghị sĩ này cho biết Mỹ đã dừng việc bán và chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Nếu điều này xảy ra thì đó sẽ là một cú sốc lớn đối với Kiev, nhất là trong bối cảnh Nga đang có những bước tiến mạnh mẽ trên mặt trận phía Đông nước này.
Ông Roman Kostenko cho biết thêm rằng một số công ty tham gia bán và vận chuyển vũ khí cho Kiev đang chờ đợi quyết định chính trị, nhưng lý do chính xác cho việc tạm dừng này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
“Theo thông tin của tôi, việc bàn giao vũ khí dự kiến đã dừng lại. Những công ty được cho là dự kiến chuyển giao những vũ khí này đến đây hiện đang chờ đợi, vì chưa có quyết định nào được đưa ra”, ông Kostenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Kostenko cho biết các bên liên quan đang tìm cách tháo gỡ vấn đề, có khả năng bằng cách chi thêm tiền. “Mọi người đang chờ xem liệu đây có phải là giải pháp, ít nhất là về mặt tiền bạc, để chuyển vũ khí đến đây hay không”, ông nói tiếp.
Tuy nhiên, nghị sĩ Oleksandra Ustinova, đồng thời là cố vấn của Bộ trưởng quốc phòng Ukraine đã bác bỏ tuyên bố trên. “Mỹ không dừng việc bán vũ khí cho Ukraine,” ông Ustinova đã biết trên mạng xã hội Facebook.
Thông báo của nghị sĩ Roman Kostenko cũng dường như đang đi ngược lại với những thông báo cùng ngày của Tổng thống Ukraine.
Trên mạng xã hội X, ông Zelensky cho biết ông đã có "cuộc thảo luận tốt đẹp" với Đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg. Tổng thống Zelensky cho biết cuộc thảo luận với ông Kellogg tập trung vào tình hình chiến trường, các bảo đảm an ninh mà Ukraine đang tìm kiếm và việc trao trả tù binh chiến tranh.
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết nếu xét tới những diễn biến và phát ngôn gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump thì động thái ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine là hoàn toàn có thể.
Vừa qua, Mỹ đã từ chối đồng bảo trợ một dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) đánh dấu ba năm kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biêt tại Ukraine. Nghị quyết này của LHQ khẳng định lại toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tiếp tục yêu cầu Nga rút quân, theo tiết lộ từ các nguồn tin ngoại giao của Reuters. Động thái này có thể báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của đồng minh phương Tây quan trọng nhất của Ukraine.
Trong khi đó, theo hãng tờ Financial Times (FT), không chỉ từ chối đồng bảo trợ nghị quyết tại LHQ, Mỹ còn phản đối một cụm từ trong tuyên bố mà Nhóm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến (G7) dự định công bố vào ngày 24/2 tới. FT cho biết Washington không đồng ý với cách diễn đạt lên án "sự xâm lược của Nga", cụm từ đã xuất hiện thường xuyên trong các tuyên bố của G7 và LHQ kể từ tháng 2/2022. Theo đó, các đại diện Mỹ tại LHQ ủng hộ ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn, đề xuất dùng cụm từ “xung đột Ukraine”.
Trước đó vào ngày 18/2, các phái đoàn của Nga và Mỹ đã có cuộc đàm phán được đánh giá là “diễn ra tốt đẹp” kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Động thái này đang khởi động cho những bước đi đầu tiên trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến giữa Ukraine và Nga cũng như mở ra những cơ hội làm “ấm lên” mối quan hệ giữa Moskva và Washington.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Marco Rubio đã ám chỉ một số điểm chung giữa Mỹ và Nga sau cuộc đàm phán, bao gồm việc nối lại hoạt động của nhân viên đại sứ quán và khai thác lợi ích kinh tế với Nga sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Bên cạnh đó, ông Rubio cũng tuyên bố rằng Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về bốn nguyên tắc, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Các nguyên tắc này bao gồm:
Thứ nhất là khôi phục cấp làm việc tại đại sứ quán Nga ở Washington và đại sứ quán Mỹ ở Moskva. Ngoại trưởng Rubio nhấn mạnh rằng mục tiêu của việc này là tạo ra các kênh ngoại giao có thể hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai về Ukraine và hợp tác song phương rộng lớn hơn trong bối cảnh những năm gần đây, đại sứ quán của cả hai nước đều bị cắt giảm nhân sự nghiêm trọng với nhiều nhà ngoại giao bị trục xuất khi quan hệ leo thang căng thẳng.
Thứ hai là bổ nhiệm một đội ngũ đàm phán cấp cao để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ngoại trưởng Rubio tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bổ nhiệm một đội ngũ cấp cao để đàm phán và tìm ra giải pháp bền vững, có thể chấp nhận được với tất cả các bên liên quan”.
Thứ ba là khởi động thảo luận về hợp tác địa chính trị và kinh tế sau chiến tranh. Ngoại trưởng Rubio cho rằng hai bên“nên bắt đầu xem xét các cơ hội hợp tác về địa chính trị và kinh tế có thể mở ra sau khi chiến tranh kết thúc”.
Thứ tư là tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình đàm phán. Theo Ngoại trưởng Rubio, năm thành viên tham gia đàm phán tại Saudi Arabia sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình này để đảm bảo sự phát triển hiệu quả của nó.
Cuộc họp được tổ chức sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin vào hôm 12/2, đánh dấu cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa các quan chức Mỹ và Nga với mục đích chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine kể từ tháng 2/2022. Cả hai bên dự kiến sẽ đặt nền tảng để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai tại Riyadh.
Cả Washington và Moskva đều loại trừ sự tham gia của Ukraine và châu Âu ở giai đoạn đầu này, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố không công nhận kết quả do Kiev không tham gia.