Mỹ từ chối bảo trợ nghị quyết LHQ lên án Nga liên quan xung đột Ukraine

Mỹ đã từ chối đồng bảo trợ một dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc đánh dấu ba năm kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biêt tại Ukraine.

Chú thích ảnh
 Binh sĩ Nga tham gia một cuộc tập trận. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Nghị quyết của LHQ trong đó khẳng định lại toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tiếp tục yêu cầu Nga rút quân, theo tiết lộ từ các nguồn tin ngoại giao của Reuters. Động thái này có thể báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của đồng minh phương Tây quan trọng nhất của Ukraine.

Trong khi đó, theo hãng tờ Financial Times (FT), không chỉ từ chối đồng bảo trợ nghị quyết tại LHQ, Mỹ còn phản đối một cụm từ trong tuyên bố mà Nhóm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến (G7) dự định công bố vào ngày 24/2 tới. FT cho biết Washington không đồng ý với cách diễn đạt lên án "sự xâm lược của Nga", cụm từ đã xuất hiện thường xuyên trong các tuyên bố của G7 và LHQ kể từ tháng 2/2022. Theo đó, các đại diện Mỹ tại LHQ ủng hộ ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn, đề xuất dùng cụm từ “xung đột Ukraine”.

Sự thay đổi lập trường của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tìm cách nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến. Tuần này, ông Trump đã cử một phái đoàn tới đàm phán với Nga tại Saudi Arabia mà không có sự tham gia của Ukraine.

Trong hai năm qua, các đồng minh của Ukraine đã sử dụng dịp kỷ niệm ngày 24/2 để nhấn mạnh sự phản đối đối với chiến dịch quân sự của Nga.

Theo các nhà ngoại giao, các nước có thể quyết định đồng bảo trợ nghị quyết của LHQ cho đến trước khi bỏ phiếu. Dự kiến, Đại hội đồng LHQ (gồm 193 thành viên) sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 24/2 tới. Dù các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, chúng vẫn có ý nghĩa chính trị quan trọng, phản ánh quan điểm của cộng đồng quốc tế đối với nhiều vấn đề quốc tế.

"Mỹ trước đây luôn đồng bảo trợ các nghị quyết tương tự để thể hiện sự ủng hộ đối với một nền hòa bình công bằng tại Ukraine", một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết.

Dự thảo nghị quyết hiện đã nhận được sự bảo trợ từ hơn 50 quốc gia, nhưng danh sách cụ thể chưa được tiết lộ. Trong khi đó, một nguồn tin xác nhận rằng Mỹ hiện không có ý định ký vào nghị quyết này. Thay vào đó, các nhà ngoại giao đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước thuộc "Phương Nam toàn cầu", thuật ngữ chỉ các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Khi được hỏi về vấn đề này, phái đoàn ngoại giao Mỹ tại LHQ ở Geneva đã từ chối bình luận.

Tuần trước, các ngoại trưởng G7 đã ra một tuyên bố liên quan đến Ukraine, nhưng không sử dụng cụm từ “Nga xâm lược”. Thay vào đó, họ chỉ đề cập đến "cuộc chiến tàn khốc tại Ukraine".

Sự chia rẽ này gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đối với Ukraine, quốc gia đã nhận hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ dưới thời chính quyền trước. Ukraine không chỉ dựa vào sự hỗ trợ quân sự mà còn cần sự ủng hộ ngoại giao của Washington để duy trì áp lực quốc tế lên Nga.

Theo tài liệu mà Reuters thu thập được, dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng LHQ kêu gọi: Giảm leo thang xung đột, chấm dứt chiến sự trong thời gian sớm nhất và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tại Ukraine. Thực thi đầy đủ các nghị quyết trước đây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Yêu cầu Nga ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine theo đường biên giới được quốc tế công nhận.

Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và đang tiếp tục giành lợi thế tại mặt trận phía Đông. Moskva tuyên bố chiến dịch của mình là một hoạt động quân sự đặc biệt nhằm đáp trả mối đe dọa hiện hữu từ việc Ukraine theo đuổi tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây coi đây là một cuộc xâm lược.

Sự từ chối đồng bảo trợ nghị quyết của Mỹ và bất đồng trong G7 có thể cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong cách phương Tây đối phó với cuộc chiến tại Ukraine, khi cuộc xung đột bước sang năm thứ ba.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Reuters/RT)
Sau hội đàm Nga - Mỹ, Trung Quốc có tiếp tục đóng vai trò hoà giải cho xung đột Ukraine?
Sau hội đàm Nga - Mỹ, Trung Quốc có tiếp tục đóng vai trò hoà giải cho xung đột Ukraine?

Sau cuộc hội đàm gần đây giữa Mỹ và Nga về xung đột Ukraine, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có tiếp tục đóng vai trò hòa giải cho cuộc khủng hoảng này hay không? Giới chuyên gia cho rằng sự tham gia của Bắc Kinh vào quá trình đàm phán hòa bình, dù chưa rõ ràng, có thể tạo ra những thay đổi lớn trong cục diện hiện tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN