Dự luật do 14 thượng nghị sỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đề xuất với nội dung hỗ trợ thêm 400 triệu USD cho Venezuela, quốc tế hóa các biện pháp trừng phạt và nới lỏng hình phạt với những chính trị gia có quan điểm ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido, người tự xưng là "tổng thống lâm thời". Khoản hỗ trợ mới sẽ được giải ngân cho các chương trình hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ tiếp nhận người di cư tại các quốc gia láng giềng của Venezuela.
Dự luật cũng đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức một hội nghị các nước viện trợ để phối hợp công tác tài trợ quốc tế giải quyết "cuộc khủng hoảng nhân đạo" tại Venezuela. Trong khi đó, đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc cũng phải gia tăng nỗ lực tại Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của tổ chức đa phương này để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Phản ánh chủ trương gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự luật này cũng công nhận vai trò của lĩnh phe đối lập Juan Guaido, người cũng là Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, đồng thời tìm cách buộc Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro phải ra đi.
Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất cấm cấp thị thực cho thân nhân của các quan chức chính quyền đương nhiệm nằm trong danh sách trừng phạt, ngoại trừ những người đồng ý công nhận ông Guaido.
Các nghị sĩ Mỹ cũng đề cập tới việc tái thiết Venezuela trong tương lai, trong đó yêu cầu các Bộ Ngoại giao, Tài chính và Tư pháp soạn thảo chiến lược để xác định, phong tỏa và thu hồi tài sản liên quan tới những quan chức chính quyền đương nhiệm.
Tình hình chính trị xã hội Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng sau khi ông Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này hôm 23/1. Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính do Mỹ và các thế lực thù địch bên ngoài đứng đằng sau.
Ngay sau đó, Mỹ cùng với một loạt các nước Mỹ Latinh và châu Âu đã công nhận vai trò của ông Guaido, trong khi nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ... tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro.