Sau buổi học văn hóa bắt đầu vào lúc tờ mờ sáng, những đứa trẻ vội vàng sửa soạn cho kịp giờ tham gia lớp học nhào lộn lúc 8 giờ 30 tại trung tâm tỉnh Liêu Ninh (Thẩm Dương, Trung Quốc).
Cô Wang Ying (47 tuổi) – huấn luyện viên tại trường nhào lộn Thẩm Dương - quan sát học sinh của mình luyện tập với vẻ mặt nghiêm khắc. Cô Wang là một người luôn đề cao kỷ luật, sự kiên trì và hy sinh. Đa số học sinh của cô đều là những đứa trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 15, thế nhưng một số em nhỏ tuổi nhất đã phải luyện tập nhiều động tác vô cùng phức tạp như uốn cong cơ thể về phía sau, giữ thăng bằng chân tay. Bất chấp đau đớn và cả những giọt nước mắt, không một đứa trẻ nào nản chí hay có ý định từ bỏ.
“Chúng tôi dạy các em tất cả các kỹ thuật, nhưng tính linh hoạt là điều quan trọng nhất ở độ tuổi này. Ngay cả sau 2 tuần nghỉ, việc tập luyện dường như sẽ phải bắt đầu lại từ đầu nhưng không ai phàn nàn hay khó chịu. Chúng là những đứa trẻ ngoan ngoãn. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các em có thể trình diễn nhào lộn sau 2 đến 3 năm đào tạo, trước khi được cấp bằng sau chương trình 7 năm bắt buộc”, cô Wang chia sẻ.
Tuy nhiên, vấn đề của trường học nhào lộn này không phải do các em thiếu kỹ năng mà bởi số lượng học sinh đang giảm đi đáng kể. Theo thống kê mới nhất của Diễn đàn nhào lộn Trung Quốc năm 2010, cả nước có đến 124 đoàn biểu diễn, bao gồm 12.000 nghệ sĩ nhào lộn chuyên nghiệp và 100.000 người trực tiếp tham gia ngành. Mặc dù những con số này có vẻ ấn tượng, nhưng trường công lập Đào tạo nhào lộn Thẩm Dương lại chỉ có 20 học sinh dưới 15 tuổi được đào tạo toàn thời gian.
“Khi tôi bắt đầu được biểu diễn nhào lộn, tôi nhận ra bộ môn này như một cuốn hộ chiếu cho những ai muốn bước ra thế giới để mở rộng tầm mắt. Nhờ công việc của mình, tôi đã được đi nhiều nơi và có cơ hội sống tại Mỹ suốt 5 năm. Vào những năm 90, chúng tôi có thể dễ dàng chọn ra 60 đứa trẻ tốt nhất trong số rất nhiều ứng cử viên để tham gia biểu diễn thường niên. Nhưng hiện tại, chúng tôi may mắn mới có thể nhận đào tạo 10 đứa trẻ mỗi năm”, huấn luyện viên Tong Tianshu (34 tuổi) - một nghệ sĩ nhào lộn đầy kinh nghiệm - chia sẻ.
Nhào lộn ra đời từ khoảng 4 thiên niên kỷ trước và trở thành một bộ môn nghệ thuật nở rộ ở Trung Quốc trong các triều đại nhà Tần, nhà Hán. Tuy nhiên, do kinh tế ngày càng phát triển, nhiều gia đình trở nên giàu có hơn, hầu hết các phụ huynh đều muốn con mình đi học đại học.
“Việc trở thành nghệ sĩ nhào lộn dường như quá gian nan. Chính sách một con cũng khiến việc tìm kiếm học sinh mới không phải là điều dễ dàng”, ông An Ning - Giám đốc của trường nhào lộn Thẩm Dương - nhận định
Trước đây, có đến 120 nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, có thể chia thành 3 nhóm để tham gia vào nhiều chương trình. Nhưng hiện tại, số nghệ sĩ giảm xuống chỉ còn 40 và rất khó khăn để chia thành 2 nhóm. Vì vậy, trường phải từ chối nhiều lời mời biểu diễn ở nước ngoài.
Khác xa so với những năm trước, khi chính phủ rất coi trọng bộ môn nhào lộn, nó được coi như một hình thức nghệ thuật biểu tượng của quốc gia, đóng góp nhiều tiết mục cho các nhà hát, đoàn kịch ở hầu hết các thành phố lớn. Nhưng hiện nay, nhào lộn không được quan tâm đầu tư, mức thu nhập thấp từ nghề nhào lộn trở thành rào cản với người học.
Trong khi tiền lương của mọi người ở các ngành khác đều tăng lên, thu nhập của các nghệ sĩ nhào lộn vẫn không thay đổi. Thế nhưng với niềm đam mê và sự quyết tâm, nhiều em nhỏ vẫn lựa chọn theo học bộ môn đầy thử thách này.
“Em đoán, mình sẽ kiếm được khoảng 2.000 nhân dân tệ (6,5 triệu đồng) mỗi tháng khi mới vào nghề, nhưng mức lương sẽ tăng theo khả năng của chúng em”, cô bé Qiyue (14 tuổi) nói.
Trong khi đó, Sun Mingjun (16 tuổi) lại bày tỏ sự lo lắng khi theo học nhào lộn sẽ không được đào tạo đầy đủ như các bạn theo học giáo dục chính quy. “Điều đó làm em lo lắng cho tương lai nhưng em không thể làm gì được. Em chưa bao giờ là một học sinh giỏi”, cậu bé cho biết.
“Em đoán tất cả bọn em đều ở đây vì bố mẹ chúng em nghĩ rằng nhào lộn là một lối thoát. Em không phản đối điều đó và em đã dần dần yêu thích nó”, cô bé 15 tuổi Wang Junlin đang miệt mài tập luyện với một chiếc ô quá khổ nói và nhớ lại thời gian còn theo học ở một ngôi trường chính quy.
Bố mẹ Qiyue đã đăng ký cho em vào trường nhào lộn sau khi một người quen của gia đình cho rằng môn học này có thể thay thế cho giáo dục thường xuyên.
“Em thích công việc này. Nó rất mệt mỏi và đau đớn, nhưng không có phần không có phần thưởng nào tốt hơn những tràng pháo tay dài sau một buổi diễn hay và em đã có nhiều người bạn tốt ở đây”, Wang nói.
Trên sân khấu và ngoài đời thực, các nhà chức trách đang cố gắng khôi phục nhào lộn trở thành bộ môn nghệ thuật hào quang vốn dĩ như bản thân nó. Trung Quốc đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc thi mới như Liên hoan xiếc quốc tế tại Chu Hải.
Hướng dẫn viên Tong cho rằng ngoài điều đó, mức lương của những nghệ sĩ nhào lộn cũng cần được cải thiện để cuộc sống của họ ổn định hơn, họ đóng góp nhiều hơn nữa cho nghệ thuật.
“Các khóa đào tạo nhào lộn khó khăn đến mức mọi người sẽ chỉ quan tâm đến nhào lộn nếu công việc này có thể bảo đảm được chất lượng cuộc sống của họ. Một vận động viên đầy đủ vật chất mới có thể cống hiến được nhiều hơn và đó là những gì bộ môn nhào lộn đang thiếu. Lịch sử của nhào lộn có thể được truy nguyên từ 3700 năm trước. Bộ môn này cần được bảo tồn và phát huy.”, huấn luyện viên Tong Tianshu chia sẻ.