“Con tôi sợ ma nên tôi hóa trang cho con thành một kiếm sĩ Trung Quốc”, cô Wang Guyue nói.
Dịp này mọi năm, trung tâm tiếng Anh tại Thượng Hải – nơi Wang cho con trai theo học – đều trang trí theo chủ đề ngày lễ hội ma quỷ Halloween của phương Tây. Toàn bộ trẻ em đều mặc trang phục đặc biệt, hóa trang và tổ chức trò chơi xin kẹo.
Vì đây là trường dạy tiếng Anh, cô Wang cho rằng việc tổ chức các lễ hội của phương Tây là điều hợp lý. Trẻ em có thể học thêm về văn hóa cũng như từ vựng mới. Cô cho biết giáo viên giải thích về ngày Hallowwen với học sinh, nhưng với vốn ngoại ngữ còn giới hạn, lũ trẻ sẽ không hiểu hết mọi thứ.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin đối với nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc, tháng 10 không thể thiếu những hoạt động mừng Halloween chẳng hạn như lễ hội hóa trang. Vô số công viên giải trí và quán rượu đã đầu tư trang trí từ đầu tháng.
Dù vậy, làn sóng phản đối ngày lễ nguồn gốc từ phương Tây này vẫn sôi sục mỗi năm. Không ít người cho rằng việc ăn mặc giống ma quỷ là “điềm xấu”. Một số nhà ga tàu điện cũng cấm hành khách hóa trang ngày Halloween.
Tại Thâm Quyến, các công viên như “Window of the World” và “Happy Valley” đều tổ chức nhiều hoạt động diễu hành, chương trình biểu diễn và nhà ma ăn theo ngày hội ma quỷ từ tháng 10 đến đầu tháng 11. Du khách được khuyến khích hóa trang. Những đoạn clip trên mạng xã hội cho thấy các ngôi nhà ma ghê rợn với ánh sáng phập phù, treo đầy xương người và mạng nhện. Nhân viên thì hóa trang thành ma quỷ, nhảy ùa ra dọa khách tham quan.
Miko, sống tại Thâm Quyến, cho biết cô đến nhà hàng Woodpecker ở địa phương cuối tuần trước và hóa trang thành Joker – một nhân vật phản diện trong loạt phim “Batman”. “Chúng tôi ngồi tề tựu trong bộ mặt hóa trang, thưởng thức đồ ăn, không cần quá đặc biệt”, Mike chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều người chơi lễ Halloween có thể phải kiểm soát hành vi của họ tại nơi công cộng bởi cảnh sát Quảng Châu vừa ra thông báo tối 30/10, cấm người hóa trang thành ma quỷ hoặc trang điểm đáng sợ đến ga tàu điện.
“Khi lễ Halloween của phương Tây đến gần, các cửa hàng và công ty giải trí thường tổ chức tiệc mừng. Hành khách mặc trang phục và trang điểm kỳ quái đã xuất hiện tại các nhà ga tàu điện ở những thành phố lớn, trong đó có Quảng Châu, khiến người dân hiếu kỳ tụ tập quan sát và thậm chí khiến hành khách khác hoảng sợ”, thông báo trên viết.
Nhân viên nhà ga sẽ ngăn chặn những hành vi như trên. Người không tuân thủ và gây náo loạn nơi công cộng sẽ bị xử lý theo luật. Tuần trước, một số hành khách ở Quảng Châu đã phải lau sạch lớp hóa trang trên mặt để được phép lên tàu. (Xem video dưới đây. Nguồn: SCMP)
Ngoài ra, trên mạng xã hội và các diễn đàn ở Trung Quốc hàng năm đều tranh cãi về việc liệu rằng những lễ hội của phương Tây như Halloween và Giáng sinh có quá nổi trội, lấn áp những lễ hội truyền thống.
“Tôi phản đối Halloween. Nó cho thấy chúng ta không hề tự tin về nền văn hóa của mình cũng như mù quáng đam mê ăn hóa Anh hoặc Mỹ. Tôi không cho đây là cách thức để giáo dục trẻ em”, một cư dân mạng viết trên Weibo.
Những cư dân mạng khác lại cho rằng việc hóa trang thành ma quỷ là điềm xấu. Ngày lễ Thanh Minh của Trung Quốc để tưởng nhớ tổ tiên, đốt vàng mã và viếng mộ chứ không tổ chức tiệc tùng hay hóa trang.
Trước đây, tại Trung Quốc đã xuất hiện nhiều ý kiến yêu cầu cấm tổ chức lễ hội của phương Tây. Năm ngoái, giới chức tại thị trấn Langfang thuộc tỉnh Hà Bắc đã đăng thông báo lên mạng xã hội yêu cầu người dân tháo dỡ toàn bộ đồ trang trí Giáng sinh, đồng thời cấm các cửa hàng bán đồ vật liên quan.
Về phần cô Wang Guyue, cô cảm thấy con trai mình chỉ đang đơn thuần học về nền văn hóa khác cũng như là được vui vẻ trong quá trình học. Các giáo viên người Trung Quốc của con cô đảm bảo sẽ giúp cậu được học đủ những giá trị và truyền thống của nước nhà.
Đối với nhiều người khác, tận hưởng bầu không khí Halloween là một hình thức giúp họ rũ bỏ áp lực sau giờ làm việc. “Mọi người chỉ tận dụng cơ hội này, sử dụng Halloween làm cái cớ để tụ tập thư giãn, vui vẻ với nhau. Không cần phải nghĩ quá nặng nề”, Miko tâm sự.