Tính đến tối 26/2 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới đã có 81.279 ca nhiễm bệnh COVID-19 và 2.770 trường hợp tử vong (trong đó Trung Quốc đại lục có 2.715 ca). Dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong ngày 25/2, số ca tử vong tại Trung Quốc đại lục do dịch bệnh COVID-19 là 52 trường hợp và toàn bộ số ca tử vong mới này đều xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc.
Các khu vực phía Nội Mông và Tân Cương ở phía Tây Bắc, cùng tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam của Trung Quốc đã bắt đầu hạ thấp mức độ ứng phó khẩn cấp với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Tứ Xuyên thông báo tỉnh này sẽ điều chỉnh các biện pháp ứng phó từ mức I xuống mức II, trong khi Nội Mông sẽ hạ từ mức I xuống mức III. Tất cả các địa phương ở tỉnh Tứ Xuyên sẽ được phép hoạt động trở lại, đồng thời phát triển các chương trình ngăn chặn - kiểm soát có mục tiêu đối với những vùng được cho là có "nguy cơ cao".
Trong khi đó, khu vực Tân Cương cũng hạ mức ứng phó với tình trạng khẩn cấp từ mức I xuống mức II sau khi không ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới nào trong 7 ngày liên tiếp. Các tỉnh Cam Túc, Vân Nam, Quảng Đông, Sơn Tây, Quý Châu và An Huy cũng đã triển khai những bước đi tương tự trong những ngày qua. Một số khu vực ở miền Đông Nam Trung Quốc cũng bắt đầu dỡ bỏ các rào chắn trên đường quốc lộ nhằm kiểm tra các phương tiện vận tải đi vào cũng như kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Người phát ngôn Ủy ban y tế thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc Cao Hiểu Quân cho biết thành phố này sẽ thực hiện cách ly 14 ngày tại nhà hoặc theo nhóm đối với những người đã đến các quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19. Nhiều thành phố ở Trung Quốc cũng đang tăng cường hạn chế đối với du khách Hàn Quốc do lo ngại lây ngược virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đang tăng lên nhanh chóng.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết với 284 ca nhiễm mới trong ngày 26/2, số người nhiễm virus SARS- CoV-2 tại nước này đã lên tới 1.261 người. Như vậy, ngày 26/2 là ngày có nhiều ca nhiễm nhất kể từ thời điểm phát hiện 51 người nhiễm một tuần trước đây.
Theo KCDC, cho đến nay Hàn Quốc đã ghi nhận 12 ca tử vong. Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết số ca nhiễm tại nước ngày dự báo có thể tiếp tục tăng trong những ngày tới khi các cơ quan y tế bắt đầu tiến hành kiểm tra sức khỏe đối với khoảng 210.000 thành viên giáo phái Tân Thiên Địa. Riêng tại Daegu có khoảng 9.000 người, hầu hết đang tự cách ly, trong khi 1.200 người đã có các triệu chứng liên quan đến COVID-19.
Hàn Quốc đang gấp rút triển khai lực lượng y tế bổ sung tới các điểm nóng dịch bệnh COVID-19 tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang trong bối cảnh đội ngũ nhân viên y tế tại các địa phương đang ngày càng thiếu hụt. Hơn 190 y bác sĩ thuộc quân đội, cơ quan y tế nhà nước ở các địa phương khác đã được cử gấp đến thành phố Daegu. Nhân viên y tế các bệnh viện tư nhân cũng đang được huy động tới đây. Nhiều xe cấp cứu cũng đã tập trung về thành phố Daegu.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã kêu gọi các nước đối tác kiềm chế không áp đặt các hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt đối với công dân nước này. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong cuộc họp do Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Gunn chủ trì vào chiều 25/2 với sự tham dự của 103 đoàn ngoại giao nước ngoài. Tại cuộc họp, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã giải thích những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 và yêu cầu các nước kiềm chế không thực hiện các biện pháp hạn chế nhập cảnh quá mức.
Tính tới ngày 25/2, đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh hoặc các quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt đối với người Hàn Quốc và những người khác đã tới Hàn Quốc trong 2 tuần qua.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhà chức trách đã công bố thêm 2 trường hợp người cao tuổi tử vong do dịch bênh COVID-19. Như vậy, tính đến nay, tại Nhật Bản có 3 trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, chưa kể 4 trường hợp tử vong là hành khách trên du thuyền Diamond Princess. Số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản là 172 ca.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ nước này sẽ đề nghị các đơn vị tổ chức các sự kiện thể thao và văn hóa lớn xem xét việc hủy hoặc hoãn những sự kiện này trong vòng 2 tuần tới.
Trong khi đó, Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 thông báo hai sự kiện thể thao lớn này vẫn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Giám đốc điều hành Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 Toshiro Muto cho biết các nhà tổ chức sẽ cân nhắc cách thức phản hồi lời kêu gọi trên của Thủ tướng Shinzo Abe.
Cũng theo ông Muto, lễ rước đuốc Olympic quanh Nhật Bản dự kiến bắt đầu vào ngày 26/3 tại tỉnh Fukushima sẽ không bị hủy. Tuy nhiên, ông thừa nhận có thể cần một số điều chỉnh theo hướng đảm bảo không tạo cơ hội cho virus lây lan, trong đó có việc thu hẹp quy mô tổ chức.
Trong ngày 26/2, Iran thông báo ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 19 người, trong khi tổng số ca nhiễm là 139 trường hợp. Iran hiện là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Lo ngại dịch bệnh lây lan phức tạp, Phó Tổng công tố Iran Saeid Omrani khẳng định quốc gia này sẽ không dung thứ cho hành vi đầu cơ trang bị y tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô cấp COVID-19 đang bùng phát mạnh tại nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ông Omarani cho biết các hình phạt nặng nhất sẽ được áp dụng đối với những hành vi trục lợi và đầu cơ trang bị y tế được sử dụng để đối phó với dịch COVID-19 như khẩu trang hay thuốc tẩy trùng. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những đồn đoán về tình trạng thiếu hụt khẩu trang và sản phẩm tẩy trùng tại Iran khi dịch COVID-19 đang lan rộng tại nhiều khu vực trên toàn quốc.
Cho đến nay, nhà chức trách Iran đã triển khai nhiều biện pháp đối phó với hành vi đầu cơ, kêu gọi khu vực công và tư cùng phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận trang thiết bị y tế cần thiết. Chính phủ Iran cũng kêu gọi các hộ gia đình không mua sắm tích trữ, khẳng định nguồn cung thực phẩm và dược phẩm sẽ được đảm bảo ngay cả khi dịch bệnh cao điểm.
Bộ Công nghiệp Iran thông báo các nhà máy đang vận hành với công suất tối đa để sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Iran cũng yêu cầu các nhà máy trực thuộc đẩy nhanh tiến trình sản xuất sản phẩm nước diệt khuẩn với công suất 20.000 lít/ngày.
Cho đến nay, lực lượng an ninh mạng của Iran cũng đã bắt giữ 24 đối tượng bị cáo buộc tung tin đồn trên mạng về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại nước này.
Dịch bệnh COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp và nhanh chóng tại Italy kể từ ngày 21/2. Số liệu của Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy cho thấy tính đến ngày 26/2, số ca nhiễm tại Italy được xác nhận là 374 trường hợp và 12 ca tử vong. Đáng chú ý, trong số các ca nhiễm mới có trường hợp trẻ em đầu tiên nhiễm bệnh là bé gái 4 tuổi tại Castiglione d'Adda, vùng Lombardia. Ngoài ra, 3 trường hợp khác ở độ tuổi vị thành niên ở Lombardia cũng dương tính với SARS-CoV-2, gồm 2 trường hợp 10 tuổi và 1 trường hợp 15 tuổi. Đến nay, 21 tỉnh thuộc 9/20 vùng của Italy đã có người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó Lombardia là vùng có nhiều người nhiễm nhất. Các khu vực có người lây nhiễm liên tục mở rộng từ các vùng phía Bắc tới 3 vùng miền Trung và 1 vùng miền Nam Italy.
Chính quyền Italy đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hiện có tới 11 thị trấn ở Italy với khoảng 50.000 dân được cách ly và chịu sự giám sát, tuần tra của lực lượng cảnh binh. Hoạt động của các trường học tại các vùng phía Bắc đình chỉ đến ngày 15/3 (trước đó lệnh đình chỉ áp dụng đến ngày 2/3); cấm các hoạt động tập thể, lễ hội (trong đó có lễ hội carnival của Venice), đóng cửa các khu vực thăm quan có đông khách du lịch; nhiều địa phương khác tại Italy khuyến cáo người dân không đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; tiến hành sàng lọc và yêu cầu khai báo đối với người dân trở về từ vùng dịch. Tới ngày 25/2, các công ty, doanh nghiệp tại các vùng phía Bắc được khuyến cáo tránh những hoạt động tiếp xúc không cần thiết; đình chỉ các hoạt động tôn giáo tại các nhà thờ.
Ngày 25/2, các quan chức y tế Mỹ cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm điều trị loại thuốc chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) của hãng Gilead Sciences Inc trên các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở bệnh viện.
Theo Viện Y học Quốc gia, người đầu tiên tham gia thử nghiệm là một công dân Mỹ đã hồi hương sau khi bị cách ly trên con tàu du lịch Diamond Princess. Việc thử nhiệm sẽ do các nhà khoa học của Trung tâm Y tế thuộc trường Đại học Nebraska ở Omaha thực hiện.
Giới chức y tế Mỹ đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 gần như chắc chắn sẽ bắt đầu lan vào các cộng đồng dân cư ở Mỹ và người Mỹ cần bắt đầu chuẩn bị đối phó.
Tính đến ngày 25/2, Mỹ đã có 57 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) chưa khẳng định được mức độ dịch sẽ ở mức nhẹ hay nghiêm trọng khi xâm nhập vào Mỹ nhưng khuyến cáo người dân chuẩn bị tinh thần đối phó với dịch và tình hình cuộc sống thường ngày bị đảo lộn.
Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ tiến hành cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào lúc 18h00 ngày 26/2 theo giờ Mỹ (tức 6h00 ngày 27/2 giờ Việt Nam) về tình hình dịch COVID-19. Thông báo trên mạng Twitter, ông Trump cho biết thêm rằng các quan chức từ CDC sẽ tham gia cuộc họp báo này.